Thép Pomina (POM) tiết lộ thêm về kế hoạch tái cấu trúc, sẽ thành lập pháp nhân mới để nhận vốn từ nhà đầu tư

Cập nhật: 13:19 | 29/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Với việc thành lập pháp nhân mới là Pomina Phú Mỹ, nhà đầu tư chiến lược khi tham gia góp vốn vào Pomina Phú Mỹ sẽ chỉ chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp này chứ không chịu trách nhiệm các nghĩa vụ liên quan tới Thép Pomina.

Mới đây, ngày 28/2/2024, Công ty CP Thép Pomina (HOSE: POM) đã công bố phương án tái cấu trúc doanh nghiệp, bổ sung vào tài liệu trình cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường 2024 diễn vào ngày mai (1/3/2024).

Phương án được đưa ra nhằm mục đích đồng bộ các khâu luyện và cán thép để tối ưu hóa năng lực sản xuất tại nhà máy thép Pomina 1 và nhà máy luyện phôi thép Pomina 3 và lành mạnh hoá cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.

Thép Pomina (POM) tiết lộ thêm về kế hoạch tái cấu trúc, sẽ thành lập pháp nhân mới để nhận vốn từ nhà đầu tư
Nội dung phương án tái cấu trúc của Thép Pomina

Theo đó, Thép Pomina sẽ cùng nhà đầu tư chiến lược góp vốn thành lập một pháp nhân mới là Công ty CP Pomina Phú Mỹ, sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của công ty mẹ. Dự kiến, Pomina Phú Mỹ có số vốn điều lệ khoảng 2.700 - 2.800 tỷ đồng và sẽ huy động thêm 4.000 tỷ đồng từ vay ngân hàng để bổ sung vào nguồn vốn.

Với kế hoạch này, Thép Pomina sẽ góp 35% vốn điều lệ, tương đương khoảng 900 - 1.000 tỷ đồng và góp bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 sau khi chấm dứt hoạt động của hai đơn vị này. Trong khi đó, nhà đầu tư mới sẽ góp bằng tiền.

Đáng nói, giá trị của 2 nhà máy lại cao hơn rất nhiều so với mức vốn góp dự kiến của Pomina.

Tở trình phương án tái cấu trúc của Thép Pomina nêu rõ, theo kết quả định giá tài sản của công ty kiểm toán AFC và Savills, giá trị tài sản hiện vật của 2 nhà máy dự kiến đưa vào vốn góp thành lập Pomina Phú Mỹ là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT 10%). Trong đó, giá trị của Pomina 1 là 336,4 tỷ đồng và Pomina 3 là 6.357,6 tỷ đồng. Còn về phần Pomina, họ ước tính giá trị của hai nhà máy này từ 6.000 đến 6.800 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp thép này kỳ vọng thu hồi lại khoảng 5.100 - 5.800 tỷ đồng sau khi đã trừ phần vốn góp vào Pomina Phú Mỹ.

Số tiền nói trên sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn cho các ngân hàng, khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp và phần vốn còn lại bổ sung vốn lưu động. Cụ thể, Thép Pomina sẽ trả nợ cho ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) khoảng 3.757 tỷ đồng và trả nợ cho nhà cung ứng khoảng 1.343 tỷ đồng.

Thép Pomina (POM) tiết lộ thêm về kế hoạch tái cấu trúc, sẽ thành lập pháp nhân mới để nhận vốn từ nhà đầu tư
Phương án sử dụng số tiền thu hồi sau khi trừ vốn góp vào Pomina Phú Mỹ

Thực tế, phương án này không khác gì Thép Pomina bán lại đất đai, nhà xưởng, dây chuyền và nhà máy cho nhà đầu tư chiến lược và chỉ góp một phần vốn. Với việc thành lập pháp nhân mới, nhóm cổ đông chiến lược khi tham gia góp vốn vào Pomina Phú Mỹ sẽ chỉ chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp này chứ không chịu trách nhiệm các nghĩa vụ liên quan tới Thép Pomina.

Như vậy, phương án tái cấu trúc mới khác hoàn toàn so với kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư Nhật Bản trước đây. Nếu phát hành cổ phiếu mới, nhà đầu tư chiến lược sẽ góp vốn trực tiếp vào Pomina, nhưng Pomina vẫn kiểm soát công ty.

Hiện tại, danh tính nhà đầu tư chiến lược tham gia vào kế hoạch thành lập công ty mới của Thép Pomina vẫn chưa được tiết lộ. Thông tin sẽ được công bố tại cuộc họp bất thường diễn ra vào ngày mai (01/03/2024).

Kế hoạch tái cấu trúc của Thép Pomina có những gì?

Liên quan đến kế hoạch tái cấu trúc, vực dậy doanh nghiệp, bên cạnh việc thành lập pháp nhân mới nói trên, Thép Pomina sẽ tái khởi động dự án lò cao tại Chi nhánh Pomina 3.

Trước đó, theo tờ trình ĐHĐCĐ được công bố ngày 16/2/2024, Thép Pomina đã đưa ra kế hoạch nâng vốn đầu tư dự án lò cao tại Chi nhánh Pomina 3 thêm gần 905 tỷ đồng. Cụ thể, theo Nghị quyết 11/QĐ-HĐQT phê duyệt ngày 31/10/2020, dự án lò cao nói trên có tổng vốn đầu tư 4.975 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ theo kết quả kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam ký ngày 2/3/2023, tổng vốn đầu tư thực tế của dự án được xác định lên tới gần 5.880 tỷ đồng. Do đó, Thép Pomina sẽ trình cổ đông phê duyệt và thông qua tổng vốn đầu tư thực tế của dự án lò cao nhằm giúp doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục của dự án.

Thép Pomina (POM) tiết lộ thêm về kế hoạch tái cấu trúc, sẽ thành lập pháp nhân mới để nhận vốn từ nhà đầu tư
Thép Pomina sẽ tái khởi động dự án lò cao tại Chi nhánh Pomina 3

Theo báo cáo thường niên 2022, đầu năm 2011, Thép Pomina đã khởi công xây dựng nhà máy luyện phôi thép (Chi nhánh Pomina 3) tại Khu công nghiệp Phú Mỹ. Nhà máy này được chính thức đưa vào sản xuất quý IV/2012, có công suất luyện phôi thép là 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng là 1,1 triệu tấn/năm.

Năm 2019, Thép Pomina tiếp tục triển khai thực hiện dự án lò cao và đã hoàn thành, đưa vào sản xuất từ tháng 2/2021. Tuy nhiên, đến năm 2022, khi hệ luỵ của đại dịch COVID-19 chưa được khắc phụ, giá bán các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp và nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng trong bối cảnh kinh tế chững lại trên toàn cầu thì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra đã đẩy giá dầu cùng các loại hàng hóa leo thang, nhất là giá nguyên liệu đầu vào của nhà máy tăng mạnh. Do đó, tháng 9/2022, Thép Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm tối ưu chi phí.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 ghi nhận, chi phí xây dựng lò cao tại ngày 31/12/2023 là 5.808 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng tài sản của doanh nghiệp. Số tiền này bao gồm chi phí mua sắm máy móc thiết bị và xây dựng lò cao, lò EAF luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, trong kỳ tài chính chưa kết chuyển thành tài sản.

Đáng chú ý, để bổ sung vốn lưu động nhằm khởi động lại lò cao nói trên, theo kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Thép Pomina dự định phát hành riêng lẻ hơn 70,1 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nansei Steel – một doanh nghiệp thép đến từ Nhật Bản với giá 10.000 đồng/cp, qua đó huy động 700 tỷ đồng. Đợt phát hành được chia làm hai đợt, đợt 1 bắt đầu từ tháng 8/2023 và đợt hai từ tháng 9/2024, cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm. Tuy nhiên, sau đó, Thép Pomina đã thay đổi phương án sử dụng vốn. Thay vì “rót tiền” vào lò cao, doanh nghiệp này sẽ dùng số tiền thu được để thanh toán nợ vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG), đồng thời thanh toán tiền mua hàng, nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và 15 tỷ cho vốn lưu động khác.

Tuy nhiên, cuối tháng 1 vừa qua, ngay trước thềm tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, Thép Pomina bất ngờ tạm dừng kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác Nhật Bản.

Thép Pomina (POM) tiết lộ thêm về kế hoạch tái cấu trúc, sẽ thành lập pháp nhân mới để nhận vốn từ nhà đầu tư
Thép Pomina sẽ thành lập pháp nhân mới để nhận vốn từ nhà đầu tư

Cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 diễn ra vào ngày mai được kỳ vọng sẽ giúp Thép Pomina bước ra khỏi khủng hoảng. Hiện tại, doanh nghiệp này đang phải đối mặt những khó khăn chồng chất: kinh doanh thua lỗ, nợ quá hạn cao ngất ngưởng, người nhà lãnh đạo liên tục thoái vốn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV, kết thúc năm 2023, doanh thu của Thép Pomina đã lao dốc 75% so với năm trước, xuống mức 3.281 tỷ đồng. Doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 961 tỷ đồng, giảm được 28% so với mức lỗ 1.168 tỷ đồng của năm 2022. Đáng nói, đây đã là năm thứ 2 Thép Pomina thua lỗ và mức lỗ này là nặng nhất ngành thép. Tổng lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 1.270 tỷ đồng. Cần biết, trong quá khứ, đã từng có thời điểm, Thép Pomina kinh doanh “bùng nổ”, với lãi ròng mỗi năm lên tới 400-650 tỷ đồng như giai đoạn năm 2008-2011 và 2016-2018.

Cơ cấu cổ đông của Pomina cũng đang có biến động lớn. Mới nhất, bà Nguyễn Thị Tuyết (vợ thành viên HĐQT Đỗ Xuân Chiều) đã đăng ký bán toàn bộ hơn 8,16 triệu cổ phiếu POM với tỷ lệ 2,92% từ ngày 23/2 đến ngày 22/3. Trước đó, người thân của chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái cũng đã bán ra hàng triệu cổ phiếu POM, các giao dịch bán cổ phiếu của các cá nhân này chủ yếu nhằm cấn trừ nợ với các nhà cung cấp.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM hiện đang giao dịch mức 5.310 đồng/cp.

Thép Pomina (POM) lên kế hoạch nâng vốn đầu tư dự án lò cao tại chi nhánh Pomina 3

Công ty CP Thép Pomina vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, Đại hội dự kiến tổ chức ...

Khó khăn chồng chất, Thép Pomina triệu tập ĐHĐCĐ bất thường bàn phương án tái cấu trúc

Trong bối cảnh thua lỗ kéo dài, nợ quá hạn cao ngất ngưởng, cộng với áp lực bán tháo cổ phiếu, Thép Pomina sẽ tiến ...

Thấy gì từ "làn sóng" thoái vốn tại Thép Pomina?

Như vậy, ngoài áp lực từ hoạt động kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu POM còn chịu áp lực từ làn sóng bán tháo của ...

Mai Chi