Thép Pomina “hồi sinh ” nhờ dự án lò cao

Cập nhật: 10:20 | 30/01/2021 Theo dõi KTCK trên

CTCP Thép Pomina (Mã: POM) mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và lũy kế 2020, ghi nhận lãi 144 tỷ đồng trong quý cuối năm, qua đó giúp công ty lãi ròng 17 tỷ đồng cả năm 2020 trong khi năm trước lỗ tới 310 tỷ đồng.

Masan đạt doanh thu hơn 77.000 tỷ đồng, kế hoạch tăng trưởng thêm 20 - 40% năm 2021

Nhựa Bình Minh báo mức lãi lớn thứ 2 trong lịch sử hoạt động

1714-pom-hyp-nhyt
(Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2020 của POM)

Theo đó, quý IV/2020 của Thép Pomina đạt doanh thu thuần 2.544 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 144 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 58 tỷ đồng.

Trong kỳ, giá vốn giảm mạnh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp tăng 149% lên 232 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó tăng gấp hai lần lên 9%.

Theo giải trình của Thép Pomina, dự án lò cao đi vào hoạt động trong quý IV đã mang lại hiệu quả giá thành giảm. Đồng thời, lãi vay cũng đã giảm 20% so với cùng kỳ.

Các chi phí hoạt động trong kỳ được tiết giảm, cùng với khoản lợi nhuận khác khoảng 50 tỷ đồng đã giúp công ty chuyển từ trạng thái lỗ sang lãi 144 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2020, Thép Pomina ghi nhận doanh thu 9.820 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2019. Công ty lãi sau thuế 17 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ gần 310 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ lãi 16 tỷ đồng. Thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 86 đồng.

So với kế hoạch năm 2020, công ty mới thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và 4,5% chỉ tiêu lãi sau thuế.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của Thép Pomina đạt hơn 11.380 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm. Tài sản giảm chủ yếu do công ty đã giảm gần 30% giá trị hàng tồn kho, xuống còn 2.258 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng tài sản. Các khoản phải thu khách hàng tương đương với ngày đầu năm, đạt 3.179 tỷ đồng.

Công ty trữ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ở mức thấp với 93 tỷ đồng, giảm 22 tỷ đồng và chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng tài sản.

Nợ phải trả của công ty đến hết năm 2020 giảm hơn 433 tỷ đồng so với ngày đầu năm, ghi nhận hơn 7.871 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng nợ đi vay hơn 6.915 tỷ đồng, giảm 322 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM vẫn duy trì vùng giá cao. Từ mức 5.400 đồng/cổ phiếu vào hồi tháng 11/2020, đến nay POM đang giao dịch quanh mức giá 12.500 đồng/cổ phiếu, tức là trong 3 tháng thị giá cổ phiếu POM đã gấp 2,3 lần.

1618-cp-pom
Diễn biến giá cổ phiếu POM. (Nguồn: tradingview.com)

Năm 2021, giới phân tích kỳ vọng nhu cầu thép sẽ tiếp tục tăng đến 5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020, với những tín hiệu mới từ kinh tế vĩ mô, dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc cùng các hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Trong đó, đầu tiên phải kể đến hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án trọng điểm mang tính cấp bách như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành. Đây cũng là động lực chính cho ngành trong năm nay, với lộ trình chi khoản 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công.

Chưa kể, nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp đang tăng mạnh dự kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo. Khi mà, Việt Nam với việc kiểm soát dịch bệnh tốt, đơn vị duy nhất tăng trưởng dương trong khu vực, đi cùng lợi thế về vị trí địa lý, chi phí lao động rẻ… đang thu hút mạnh dòng vốn FDI.

Điểm sáng khác liên quan đến hiệp định CPTPP, EVFTA… việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đồng thời nhập khẩu nguyên liệu.

Phương Thảo