Thấy gì từ thương vụ 'trao tay' 10 triệu cổ phiếu trong nội bộ Xuân Mai Corp?

Cập nhật: 13:21 | 23/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Câu chuyện 'sa cơ lỡ vận' đến lúc trở lại của Xuân Mai Corp đã gắn liền với sự xuất hiện ông Nguyễn Đức Cử. Có thể nói, Xuân Mai Corp dưới sự đầu tư của ông Nguyễn Đức Cử, cùng dòng vốn từ LienVietPostBank và một số ngân hàng khác giúp cho doanh nghiệp gượng dậy sau cuộc khủng hoảng 2012.

Thấy gì từ thương vụ 'trao tay' 10 triệu cổ phiếu trong nội bộ Xuân Mai Corp?
Ông Nguyễn Đắc Cử, Phó Chủ tịch HĐQT Xuân Mai Corp.

Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp, UPCoM: XMC) vừa mua xong 10 triệu cổ phiếu XMC trong giai đoạn 15/11 - 18/11. Sau giao dịch, ông Bùi Khắc Sơn nâng số cổ phiếu XMC nắm giữ lên 13,4 triệu đơn vị, tương đương 19,99% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Cùng thời điểm trên, Công ty TNHH Khải Hưng - cổ đông lớn của Xuân Mai Corp cũng hoàn tất đợt thoái vốn 10 triệu cổ phiếu XMC, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 34,85% xuống 20,01% vốn điều lệ.

Không chỉ là cổ đông lớn, Công ty Khải Hưng có mối liên quan mật thiết tới các lãnh đạo của Xuân Mai Corp. Ông Nguyễn Đức Cử, Phó Chủ tịch HĐQT Xuân Mai Corp cũng là Chủ tịch HĐTV Công ty Khải Hưng; bà Đỗ Thị Huệ, Uỷ viên HĐQT Xuân Mai Corp làm Giám đốc Công ty Khải Hưng.

Hiện cả ông Nguyễn Đức Cử và bà Đỗ Thị Huệ đều không sở hữu cổ phiếu XMC nào.

Thương vụ trao tay cổ phiếu XMC giữa ông Bùi Khắc Sơn và Công ty Khải Hưng được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong ngày 15, 16 và 18/11. Giá trị giao dịch là 65,1 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, tại khoảng thời gian diễn ra giao dịch, cổ phiếu XMC trồi sụt với các phiên tăng, giảm đan xen. Đóng cửa phiên 22/11, XMC tăng 1,31% lên 6.790 đồng/cổ phiếu, ngang ngửa mức giá bình quân của giao dịch thỏa thuận kể trên.

Sơ lược về Xuân Mai Corp

Mặc dù là doanh nghiệp quy mô nhỏ, vốn hóa thị trường chưa đến 400 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại, nhưng ít người biết rằng Xuân Mai Corp là thương hiệu có bề dày lịch sử khá lâu đời.

Xuân Mai Corp tiền thân là Nhà máy bê tông tấm lớn Xuân Mai thành lập năm 1983, trực thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1996, nhà máy bê tông này được đổi tên thành Nhà máy Bê tông và Xây dựng Xuân Mai và chuyển về trực thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG).

Doanh nghiệp được cổ phần hóa năm 2003 với vốn điều lệ 18 tỷ đồng, và chính thức mang cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từ năm 2007. Lúc đó, Xuân Mai Corp vẫn là thành viên của Vinaconex và là gương mặt hàng đầu trong ngành xây dựng.

Với vị thế của mình, XMC từng có thời "làm mưa làm gió" trên thị trường chứng khoán, đưa giá trị cổ phiếu lên đến 50.000 đồng/đơn vị. Trong lĩnh vực bất động sản, Xuân Mai Corp là đơn vị đầu tiên bán sản phẩm căn hộ thu nhập thấp có giá khoảng 600 triệu đồng/căn tại Hà Nội. Các dự án gắn liền với thương hiệu Xuân Mai là dự án CT1 Ngô Thì Nhậm – Hà Đông, Kiến Hưng, Xuân Mai Tower…

Năm 2012, khi thị trường bất động sản suy thoái, Xuân Mai Corp cũng rơi vào khủng hoảng. Doanh nghiệp bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn và lỗ lũy kế hơn 88 tỷ đồng vào cuối năm 2013.

Cổ phiếu XMC liên tục lao dốc, cuối cùng kết thúc bằng việc hủy niêm yết và rời sàn chứng khoán. Ngay khi có quyết định hủy niêm yết, Vinaconex đã chuyển nhượng toàn bộ 51% cổ phần của Xuân Mai Corp sang cho Công ty TNHH Khải Hưng.

Năm 2015, Công ty TNHH Khải Hưng chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu XMC cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Ngọc Mai. Nhưng sau đó, lượng cổ phiếu đó cũng nhanh chóng trở về với Công ty Khải Hưng. Được biết, Ngọc Mai hay Khải Hưng cũng đều là pháp nhân liên quan mật thiết với ông Nguyễn Đức Cử, người đang giữ ghế Phó Chủ tịch HĐQT của Xuân Mai Corp.

Sau 6 năm vắng bóng, 2019, Xuân Mai Corp bất ngờ trở lại thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sự trở lại khá ồn ào và điều tiếng, khi doanh nghiệp liên tục bị cơ quan chức năng xử phạt vì sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, chẳng hạn bị phạt 300 triệu đồng do chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn, bị phạt 85 triệu đồng do vi phạm quy định quản trị công ty về giao dịch với người có liên quan, giao dịch với cổ đông, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, cán bộ quản lý khác và người có liên quan tới các đối tượng này...

Sau đó không lâu, Xuân Mai Corp cũng nhận được quyết định xử phạt vi phạm thuế tại kỳ thanh tra năm 2017 và 2018 từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Cụ thể, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng qua thanh tra mà Xuân Mai Corp phải nộp là hơn 4,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, vì kê khai, nộp thuế đối với khoản tiền lương, tiền công của lao động vãng lai chưa đúng quy định, Xuân Mai Corp phải nộp tổng số thuế thu nhập cá nhân tăng qua thanh tra gần 244 triệu đồng.

Doanh nghiệp cũng bị xử phạt đối với hành vi kê khai sai với mức phạt 20% tính trên số tiền thuế truy thu qua thanh tra theo quy định, số tiền là 904 triệu đồng...

Các năm qua, Công ty Khải Hưng liên tục mua gom cổ phiếu nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Xuân Mai Corp. Như đã biết, trước thương vụ "trao tay" 10 triệu cổ phiếu cho ông Bùi Khắc Sơn, Công ty Khải Hưng giữ đến 23,4 triệu cổ phiếu XMC (34,85% vốn điều lệ), là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp.

Thấy gì từ thương vụ 'trao tay' 10 triệu cổ phiếu trong nội bộ Xuân Mai Corp?
Tổng hợp báo cáo tài chính các năm của Xuân Mai Corp.

Trong khi đó, những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Xuân Mai Corp có chiều hướng suy giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. 2019, năm mà Xuân Mai Corp niêm yết trở lại được xem là thời điểm cực thịnh, với doanh thu leo đỉnh 3.233 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng.

Theo số liệu mới nhất, 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu Xuân Mai Corp đạt 1.141 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, gánh nặng chi phí quản ly doanh nghiệp khiến số lãi thu được cuối kỳ chưa đến 1 tỷ đồng.

Dấu ấn Nguyễn Đức Cử, cựu Phó Chủ tịch LienVietPostBank

Công ty TNHH Khải Hưng thành lập ngày 7/10/1998, trụ sở chính đặt tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Hiện Công ty Khải Hưng có vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Cổ phần doanh nghiệp được chia đều cho ông Nguyễn Đức Cử (SN 1957, Phó Chủ tịch HĐQT của Xuân Mai Corp) và bà Đỗ Thị Hoa (SN 1963, vợ ông Cử). Đồng thời, tư gia của vợ chồng doanh nhân này cũng chính là nơi đặt trụ sở của Công ty Khải Hưng.

Thấy gì từ thương vụ 'trao tay' 10 triệu cổ phiếu trong nội bộ Xuân Mai Corp?

Theo tài liệu của phóng viên, tổng tài sản của Công ty Khải Hưng tính đến hết năm 2021 đạt 1.670 tỷ đồng, có xu hướng giảm dần trong 3 năm gần đây (năm 2018 là 1.706 tỷ đồng, năm 2017 là 1.874).

Khối tài sản tương đối lớn nhưng kết quả kinh doanh lại quá mờ nhạt, không tương xứng với quy mô doanh nghiệp. Cụ thể, giai đoạn 2016-2021, doanh thu thuần của Công ty Khải Hưng lần lượt đạt 16,8 tỷ đồng, 5,5 tỷ đồng, 1,8 tỷ đồng, 4 tỷ đồng, 7,5 tỷ đồng và đặc biệt năm 2021 là 0 đồng.

Trong bối cảnh doanh thu cốt lõi chẳng đáng là bao, doanh nghiệp phải sống dựa vào nguồn thu nhập khác, điển hình như tiền cổ tức nhận từ Xuân Mai Corp. Nhờ đó, ngoại trừ các năm buộc phải chịu lỗ vì chi phí gia tăng (2016, 2018, 2021), lợi nhuận sau thuế của Công ty Khải Hưng đạt 10,5 tỷ đồng (2017), 43 tỷ đồng (2019), 25,3 tỷ đồng (2020).

Về nguồn vốn, cuối năm 2021, nợ phải trả của Xuân Mai Corp ở mức 795 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 875 tỷ đồng.

Nói thêm về ông Nguyễn Đức Cử, đây là doanh nhân có tiếng trong giới tài chính ngân hàng, nổi bật với cương vị Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Có thời điểm, ông và gia đình (bao gồm vợ, con, và em trai Nguyễn Đức Ứng) nắm gần 10% vốn điều lệ của LienVietPostBank. Đó là chưa kể số lượng cổ phiếu LPB do Công ty Khải Hưng nắm giữ.

Câu chuyện của Xuân Mai Corp từ lúc sa cơ lỡ vận đến ngày trở lại, cũng gắn liền với sự xuất hiện ông Nguyễn Đức Cử. Có thể nói, Xuân Mai Corp dưới sự đầu tư của ông Nguyễn Đức Cử, cùng dòng vốn từ LienVietPostBank và một số ngân hàng khác, đã giúp doanh nghiệp gượng dậy sau cuộc khủng hoảng 2012.

Ngoài hỗ trợ lớn về tài chính, ông Nguyễn Đức Cử còn đem về cho Xuân Mai Corp một số hợp đồng giá trị khác. Chẳng hạn Xuân Mai Corp từng đảm nhiệm vai trò tổng thầu thi công tại dự án Eco-Green City (đường Nguyễn Xiển, Hà Nội) với quy mô 20.234 m2 gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Bất động sản và Xây dựng Việt Hưng, doanh nghiệp do vợ chồng ông Nguyễn Đức Cử đứng tên thành lập.

Đơn vị tài trợ vốn không ai khác, là LienVietPostBank. Theo tìm hiểu, ngân hàng Bưu Điện Liên Việt trực tiếp đầu tư giải ngân với số vốn 1.500 tỷ đồng vào dự án này, đồng thời là đơn vị tài trợ cho người mua nhà tại dự án.

Hay như mới đây, Xuân Mai Corp được chọn là nhà thầu thi công xây dựng phần ngầm của dự án trên khu "đất vàng" số 61 Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) có giá trúng thầu hơn 420 tỷ đồng. Dự án này ghi đậm dấu ấn của nhóm Him Lam Group, đối tác và cũng là cổ đông của Công ty CP Thiết bị Bưu Điện (Postef – HNX: POT) - chủ khu đất.

Trong quá khứ, Him Lam Group và LienVietPostBank vốn là mối quan hệ bền chặt, với sợi dây gắn kết là ông Dương Công Minh, người sáng lập "đế chế" Him Lam, cựu Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.

Vân Oanh

Tin cũ hơn
Xem thêm