Thành phố "thủ phủ xe điện" của Trung Quốc chỉ cách Việt Nam gần 200km, người nào cũng có 1 xe, trạm sạc mọc khắp phố
Từng là "thành phố xe máy" của Trung Quốc, nơi đây đã trải qua hai thập niên cải cách để trở thành thủ phủ xe điện hai bánh.
Từ thành phố xe máy đến thủ phủ xe điện
Nam Ninh – thủ phủ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) từng được biết đến là "thành phố xe máy" vào những năm 1990. Khi đó, xe máy chạy xăng phát triển thiếu kiểm soát đã gây ra hàng loạt vấn đề như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn gia tăng.
Nhận thấy sự quá tải và nguy cơ kéo dài, từ năm 2002, chính quyền Nam Ninh bắt đầu siết chặt việc đăng ký xe máy truyền thống. Trong bối cảnh đó, xe điện hai bánh – gồm xe máy điện và xe đạp điện dần trở thành lựa chọn thay thế phổ biến nhờ chi phí thấp, dễ tiếp cận và phù hợp với địa hình đô thị.

Chỉ hơn hai thập kỷ sau, Nam Ninh đã chuyển mình thành “thủ phủ xe hai bánh điện” của Trung Quốc, nơi cứ 1,5 người dân sở hữu 1 chiếc xe điện, theo Viện Chính sách Giao thông và Phát triển (ITDP) có trụ sở tại Mỹ.
Đến cuối năm 2023, thành phố này có hơn 4,8 triệu xe điện hai bánh, vượt xa số lượng ô tô cá nhân. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là cách Nam Ninh thiết kế chính sách và hạ tầng để đưa phương tiện điện vào đời sống hàng ngày một cách đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Chiến lược chính sách và hạ tầng đồng bộ hóa
Từ năm 2013, xe hai bánh điện chính thức được đưa vào quản lý trong chiến lược vận tải đô thị. Nam Ninh thiết lập hệ thống đăng ký phương tiện, đồng thời ban hành bộ quy định riêng biệt năm 2020, bao gồm toàn bộ quy trình từ sản xuất, mua bán, đăng ký đến sử dụng và đỗ xe, sạc điện.

Thành phố không chỉ xây dựng hạ tầng giao thông mới mà còn tái thiết lại hệ thống cũ, chuyển đổi làn đường của xe máy xăng thành làn riêng cho xe điện, có chiều rộng trên 3m, được rào chắn và điều phối bằng đèn tín hiệu chuyên biệt. Tại các giao lộ lớn, xe điện có làn chờ riêng, đèn LED hướng dẫn và trong một số trường hợp là cầu vượt hoặc hầm riêng biệt.
Về trạm sạc, thành phố đưa ra giải pháp linh hoạt tùy theo điều kiện từng khu vực. Ở các khu dân cư đông đúc hoặc cũ kỹ, Nam Ninh phối hợp cùng doanh nghiệp lắp đặt các trạm sạc công cộng bên ngoài hoặc khu sạc chuyên biệt. Việc này giải được bài toán "ai đầu tư, ai vận hành" nhờ cơ chế hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và ban quản lý dân cư.
Ngoài ra, hệ thống trạm đổi pin và sạc nhanh cũng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm người sử dụng thường xuyên như tài xế giao hàng – nhóm chiếm tỷ lệ lớn trong sử dụng xe hai bánh điện tại đô thị Trung Quốc.
Về đỗ xe, chính quyền địa phương tận dụng tối đa không gian hạn chế bằng cách phân bổ vị trí đỗ hợp lý, chuyển đổi chỗ đỗ xe ôtô thành khu vực cho 8–10 xe điện hai bánh, giúp sử dụng diện tích hiệu quả mà vẫn duy trì trật tự đô thị.
Thay đổi nhận thức người dân – nền tảng thành công bền vững
Dù sở hữu hệ thống hạ tầng và chính sách rõ ràng, thành công của Nam Ninh còn đến từ việc nâng cao nhận thức an toàn giao thông cho người sử dụng xe điện – yếu tố từng bị xem nhẹ trong giai đoạn đầu chuyển đổi.
Thành phố áp dụng mô hình “học luật để lái xe” với 5 hình thức gồm: học luật trước khi đăng ký xe, xem video hướng dẫn, chép luật, học trực tiếp và trải nghiệm nhiệm vụ của cảnh sát. Ngoài ra, các “điểm học tập tại chỗ” được triển khai ở ngã tư trọng điểm, nơi người vi phạm được hướng dẫn lại luật ngay tại hiện trường.
Các chương trình tuyên truyền kết hợp xử lý vi phạm đã giảm mạnh số vụ tai nạn, với tỷ lệ tử vong trên 10.000 xe điện hai bánh giảm từ 3,29 xuống còn 2,18 trong giai đoạn 2015–2017. Vi phạm trên các trục đường chính giảm trên 60%, và hiện hơn 95% người điều khiển xe điện hai bánh tuân thủ luật giao thông.
Nam Ninh cũng tích hợp hệ thống chấm điểm công dân vào việc xử phạt xe điện vi phạm – một phương pháp vừa răn đe, vừa tạo động lực hành xử đúng mực. Nhờ vậy, chỉ số hài lòng và cảm giác an toàn của người dân tăng cao, với hơn 95% người dân được khảo sát bày tỏ sự ủng hộ chính sách quản lý xe điện.