Thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập hướng đến vùng đô thị hiện đại mới, phát triển từ ven sông cho đến bờ biển
Sau sáp nhập, thành phố Đà Nẵng mới định hình rõ nét mô hình phát triển đô thị theo hướng TOD.
Cấu trúc không gian theo hành lang dọc và ngang
Sau khi thực hiện sáp nhập hành chính, thành phố Đà Nẵng mới đã có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chiến lược phát triển không gian đô thị theo hướng Transit Oriented Development (TOD), là mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng. Đây được xem là bước chuyển quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả và nâng tầm đô thị vùng trung tâm miền Trung.

Trong báo cáo tổng hợp quy hoạch Đà Nẵng giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, thành phố định hình cấu trúc phát triển đô thị mở rộng dựa trên các hành lang giao thông trục dọc như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, quốc lộ 1A, tỉnh lộ ĐT.607, đường ven biển... và các hành lang ngang kết nối vùng.
Theo đó, không gian phát triển đô thị Đà Nẵng có thể chia làm bốn dải chức năng:
Dải không gian du lịch: nằm giữa bờ biển và tuyến đường ven biển, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng cao cấp, tiện ích tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.
Dải đô thị phát triển hiện tại: giữa tuyến đường ven biển và ĐT.607, nơi tiếp tục mở rộng các khu dân cư mới.
Dải dự trữ phát triển sau 2045: giữa ĐT.607 và quốc lộ 1A, quy hoạch dành cho đô thị hóa dài hạn.
Dải không gian công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao: giữa cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và quốc lộ 1A, gắn với logistics và khu công nghệ cao.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tận dụng hai dòng sông Cổ Cò và Vĩnh Điện để hình thành các dải đô thị sinh thái – du lịch ven sông, đồng thời khôi phục giao thông thủy, phát triển đô thị xanh và phòng chống ngập lụt.
Phát triển mô hình TOD
Mô hình Transit Oriented Development (TOD) đang trở thành định hướng chiến lược của Đà Nẵng, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất, giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và tạo nên các trung tâm đô thị mới xung quanh đầu mối giao thông như ga đường sắt, nhà ga metro, trạm trung chuyển.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, trong thời gian tới thành phố sẽ nghiên cứu vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tại phường Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) và xã Chiên Đàn (giáp Quảng Nam) để phát triển đô thị TOD quanh nhà ga. Ngoài ra, xây dựng tuyến đường sắt đô thị Đà Nẵng – Hội An, phát triển quỹ đất dọc tuyến theo mô hình TOD kết hợp du lịch và đô thị sinh thái.
Thêm vào đó là kết nối cảng Tiên Sa và các khu đô thị mới ven biển thông qua trục Yết Kiêu – Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn – Lê Văn Hiến – Trần Đại Nghĩa – ĐT.607. Triển khai các đô thị sân bay, đô thị cảng biển quanh các đầu mối giao thông chiến lược như cảng Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng mở rộng.
Việc phát triển 4 chuỗi đô thị về phía tây dọc theo các trục quốc lộ 40B, 14E, 14D, 14G và tỉnh lộ ĐT.606 cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để mở rộng không gian đô thị về phía nội địa, gắn với hành lang kinh tế Đông – Tây.
Đồng bộ giao thông - Động lực phát triển vùng Đà Nẵng mở rộng
Thực tế trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã là đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị Huế – Đà Nẵng – Chu Lai – Dung Quất – Quy Nhơn. Hệ thống hạ tầng được kết nối chặt chẽ, tạo thành trục phát triển ven biển miền Trung.
Sau hợp nhất, Đà Nẵng càng có điều kiện hơn để:
- Liên kết vùng đô thị Núi Thành – Chu Lai phía Nam và phía Bắc qua Huế,
- Phát triển mạnh đô thị ven biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, logistics và nông nghiệp công nghệ cao,
- Kết hợp chặt chẽ giữa giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không, tạo hệ sinh thái hạ tầng đô thị toàn diện.
Dự án nạo vét sông Cổ Cò và sông Trường Giang cũng được đẩy mạnh để vừa khai thác giao thông thủy, phát triển du lịch, vừa tăng khả năng chống ngập cho đô thị mở rộng.