Thanh khoản vượt 39.000 tỷ, VN-Index tạo điều hiếm thấy trong nhiều năm
Phiên 3/4, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến cú sốc lớn khi VN-Index “rơi tự do” 81,37 điểm, tương đương 6,17%, xuống còn 1.236,46 điểm. Thanh khoản bùng nổ kỷ lục vượt 39.000 tỷ đồng trên HOSE. Làn sóng bán tháo lan rộng toàn thị trường, không nhóm ngành nào giữ được sắc xanh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch đáng quên với mức giảm sâu chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây, khi làn sóng bán tháo diễn ra trên diện rộng, không có vùng trũng nào được tha.
Chốt phiên ngày 3/4, chỉ số VN-Index “rơi tự do” 81,37 điểm, tương đương 6,17%, đóng cửa tại 1.236,46 điểm, đánh dấu một trong những phiên giảm mạnh nhất về cả điểm số lẫn tỷ lệ phần trăm trong lịch sử giao dịch của thị trường.
Điểm đáng chú ý không chỉ nằm ở đà giảm kinh hoàng của chỉ số, mà còn ở quy mô giao dịch tăng vọt khi thanh khoản toàn thị trường lập kỷ lục mới với hơn 1,44 tỷ cổ phiếu được sang tay, tương ứng giá trị giao dịch lên tới 31.117 tỷ đồng.

Rổ VN30 thậm chí còn lao dốc mạnh hơn khi bốc hơi tới 90,24 điểm, tương đương 6,55%, về còn 1.286,70 điểm. Với hơn 709 triệu cổ phiếu giao dịch trị giá gần 20.000 tỷ đồng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lần lượt nằm sàn la liệt, bất lực trước sức nặng của áp lực bán tháo.
Sắc đỏ phủ kín toàn bộ thị trường, với chỉ số HNX-Index cũng giảm tới 7,22%, mất 17,18 điểm, còn 220,95 điểm, trong khi UPCoM-Index còn bi đát hơn khi lao dốc 8,17%, về mốc 90,58 điểm. Cả hai sàn ghi nhận tình trạng giảm điểm toàn diện với số lượng cổ phiếu nằm sàn áp đảo, dòng tiền tháo lui trong hỗn loạn khiến thanh khoản tăng đột biến nhưng không đi kèm lực cầu bắt đáy đủ mạnh, càng khiến đà rơi thêm trầm trọng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt đạt 2.605 tỷ đồng và 1.774 tỷ đồng – mức cao hiếm thấy trên hai sàn này.
Danh sách các mã kéo tụt VN-Index hôm nay quy tụ hầu hết những cổ phiếu trụ cột của thị trường. VCB mất gần 7% về 60.300 đồng/cp, kéo lùi chỉ số tới gần 9 điểm – mức ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất trong phiên. BID, VIC, CTG và VHM đều giảm sàn hoặc sát sàn, khiến mỗi mã lấy đi từ 3,5 đến hơn 4,5 điểm khỏi VN-Index.

Trên bảng điện tử, sắc tím dường như đã biến mất hoàn toàn, nhường chỗ cho hàng trăm mã sàn trắng bên mua – hiện tượng hiếm hoi trong những năm gần đây.
Ở chiều ngược lại, chỉ lác đác vài cổ phiếu tăng nhẹ như NAF, PGI hay DTL, nhưng mức đóng góp gần như không đáng kể trong nỗ lực chống đỡ chỉ số.
Nhóm tài nguyên cơ bản – vốn là điểm sáng trong nhiều phiên trước – cũng không thoát khỏi vòng xoáy tháo chạy, khi HPG, HSG, NKG, VGS đều nằm sàn, góp phần kéo chỉ số ngành này lao dốc 4,84%. Cổ phiếu khoáng sản bị xả mạnh, với MSR, GDA, TVN mất trên 10%, trong khi MTA, KSV và TMG dù tăng trần nhưng không đủ cứu vãn bức tranh chung toàn ngành.
Cổ phiếu ngân hàng – trụ cột quan trọng nhất của thị trường gánh chịu áp lực xả hàng. Toàn bộ các mã lớn như VCB, BID, CTG, VPB, TCB, STB, MBB đều giảm kịch biên độ, góp phần đẩy chỉ số ngành giảm tới 6,57%. Trong số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, chỉ duy nhất SSB giữ được sắc xanh nhẹ, còn lại đồng loạt giảm sâu.
Ngành dịch vụ tài chính cũng không khá hơn khi SSI, VND, HCM, VCI, SHS đều nằm sàn, khiến chỉ số nhóm này bốc hơi hơn 7%, trong khi các công ty chứng khoán nhỏ và vừa bị xả không thương tiếc, nhiều mã ghi nhận mức giảm gần 10%.
Làn sóng giảm sâu còn lan sang bất động sản với mức giảm bình quân 6,63%, khi các cổ phiếu trụ như VIC, VHM, VRE, NVL hay DIG đều rơi về giá sàn. Nhóm mid-cap và đầu cơ như CEO, KDH, KBC, SCR, ITC hay PDR cũng chung số phận, khi bị bán tháo mạnh trên diện rộng.
Cổ phiếu dầu khí cũng không nằm ngoài vòng xoáy khi BSR, PLX, PVD, PVS đồng loạt giảm sàn, đưa chỉ số ngành giảm sâu hơn 8%, mức giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Ngành công nghệ thông tin – nơi FPT là đầu tàu cũng rơi tự do với mức giảm gần 7% khi FPT, CMG, SAM cùng nhau lao dốc.
Ngay cả những ngành vốn được coi là phòng thủ như thực phẩm – đồ uống, hàng cá nhân và gia dụng, điện nước hay viễn thông cũng không trụ vững. VNM, SAB, MSN, MCH, VHC đều bị bán mạnh, trong khi các cổ phiếu như PNJ, RAL, TLG, TCM, GIL cũng không tránh khỏi lực cầu tháo chạy.
Ngành viễn thông đặc biệt đáng chú ý khi mất đến 13,5% giá trị vốn hóa chỉ trong một phiên, với VGI và FOX lao dốc gần hết biên độ cho phép. Không có nhóm ngành nào giữ được đà tăng nhất quán, dù lác đác vẫn xuất hiện một vài mã ngược dòng như KSV, SEA, HLB hay S4A, nhưng tác động gần như không đáng kể trong cơn bão đỏ phủ khắp thị trường.