Thanh khoản tăng mạnh sẽ giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán có lợi thế

Cập nhật: 08:13 | 05/06/2023 Theo dõi KTCK trên

Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đang được dòng tiền nội đón nhận tích cực dù có độ trễ để phản ánh ở dữ liệu vĩ mô và kết quả thu nhập doanh nghiệp. Xu hướng lãi suất giảm khiến kênh gửi tiết kiệm kém hấp dẫn đang tạo đà cho kênh chứng khoán thu hút dòng tiền trở lại

Thị trường chứng khoán thế giới bật tăng trở lại nhờ tin tốt về lãi suất và trần nợ. Chỉ số Nasdaq trên thị trường Mỹ ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2020, các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng duy trì đà tăng nhờ dòng vốn quốc tế tiếp tục đổ vào. Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 76,2% Fed sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13-14/6 – theo dữ liệu từ FedWatch Tool của CME Group.

Thanh khoản tăng mạnh sẽ giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán có lợi thế
VN-Index đã vượt ngưỡng trung bình 200 ngày kể từ tháng 8/2020, kèm thanh khoản cao cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng chỉ số này có thể tạo đỉnh cao mới trong năm 2023

Thị trường chứng khoán trong nước tuần vừa qua phá vỡ xu hướng đi ngang 2 tuần trước đó và lọt Top thị trường có mức tăng mạnh nhất thế giới tuần vừa qua, khi chỉ số Vn-index vượt ngưỡng kỹ thuật quan trọng 1,080 điểm, thanh khoản toàn thị trường cũng ghi nhận 1 tuần bùng nổ, đạt mức cao nhất 25 tuần. Trái ngược với xu hướng dòng tiền nội đang cuồn cuộn đổ vào thị trường, khối ngoại tiếp tục bán ròng từ mức mua ròng đỉnh điểm hơn 7.000 tỷ đồng về còn gần 2.000 tỷ đồng.

Tín hiệu đáng chú ý trong tuần vừa qua là việc dòng tiền đảo ngược từ nhóm Smallcap sang nhóm Bluechips (Vn30), tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn ra ở phiên cuối tuần. Tuy vậy, nhóm smallcap và midcap vẫn ghi nhận mức tăng vượt trội, lần lượt 4,21% và 4,71%, trong khi nhóm Vn30 tăng 2,47%. Cổ phiếu ngân hàng vừa có 1 tuần bùng nổ nhưng không phải là nhóm có mức tăng mạnh nhất do mức tăng chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa nhỏ (TPB: + 11,21%, VIB: +9,5%, TCB: +7,69%, MBB: +6,78%,…), thanh khoản bùng nổ đã giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán có tăng mạnh nhất trong vòng 18 tuần vừa qua nhờ đóng góp của các cổ phiếu tiêu biểu như: VND (+14,73%), SSI (+6,87%), MBS (+5,71%), SHS (+8,11%),… Ngoài 2 nhóm trên thì nhóm cổ phiếu hóa chất (DGC, DCM, DRC,…) và bất động sản khu công nghiệp (VGC, KBC, SZC,…),… cũng có mức tăng rất tốt trong tuần vừa qua.

Thanh khoản toàn thị trường bình quân đạt 18.497 tỷ đồng, tăng 27,2% so với tuần trước, đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong vòng 25 tuần vừa qua. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh cũng vọt gần 29% lên 16.397 tỷ đồng. Mức thanh khoản tăng vọt ghi dấu ấn dòng tiền nội, từ mức bình quân khớp lệnh hơn 9.000 tỷ đồng (giữa tháng 4 và tuần đầu tháng 5) đã tăng lên mức gần 16.400 tỷ đồng, đây chính là chất xúc tác giúp thị trường vượt đỉnh tháng 4 và tiệm cận vùng đỉnh tháng 2.

Khối ngoại bán ròng 1.279 tỷ đồng trên toàn thị trường, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận hơn 1.300 tỷ đồng ở cổ phiếu STG ở tuần kết thúc ngày 19/5 vừa qua, khối ngoại đang duy trì mạch bán ròng 10 tuần liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại chỉ còn mua ròng 1.975 tỷ đồng từ mức đỉnh điểm hơn 7.000 tỷ đồng ở tuần cuối tháng 3. Các quỹ ETF cũng bị rút ròng 9 triệu USD ở tuần vừa qua, đây là tuần rút ròng thứ 9 liên tiếp, lũy kế từ đầu năm các quỹ ETF đã giải ngân 143 triệu USD (~ 3.334 tỷ đồng). Theo thống kê, dòng vốn quốc tế tuần vừa qua giải ngân mạnh ở các thị trường lớn như: Hàn Quốc, Đài loan, Ấn độ,… trong khi rút ròng ở các thị trường Đông Nam Á, ngoại trừ thị trường Indonesia,…

Chứng khoán MB (MBS) đưa quan điểm thị trường tuần tới là các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đang được dòng tiền nội đón nhận tích cực dù có độ trễ để phản ánh ở dữ liệu vĩ mô và kết quả thu nhập doanh nghiệp. Xu hướng lãi suất giảm khiến kênh gửi tiết kiệm kém hấp dẫn đang tạo đà cho kênh chứng khoán thu hút dòng tiền trở lại. Thanh khoản bình quân kể từ đầu tháng 4 đến nay đã tăng gần 25% so với mức bình quân ở quý 1/2023.

Đáng chú ý kể từ đầu tháng 5 dòng tiền vào thị trường rất ổn định theo và theo xu hướng tăng dần, từ mức bình quân 11.500 tỷ đồng cuối tháng 4 đã tăng lên mức gần 18.500 tỷ đồng ở đầu tháng 6, tức tăng hơn 60%.

Về kỹ thuật, chỉ số Vn-index đã vượt ngưỡng trung bình 200 ngày kể từ tháng 8/2020, kèm thanh khoản cao cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng chỉ số này có thể tạo đỉnh cao mới trong năm 2023 như đã diễn ra ở các nhóm cổ phiếu smallcap và midcap.

Mặc dù dòng tiền đã có tín hiệu quay trở lại ở nhóm Vn30, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu ngân hàng ở phiên cuối tuần trước nhưng mới diễn ra 1 phiên, do vậy cần có thời gian để kiểm chứng, nhất là trong bối cảnh áp lực chốt lời vẫn diễn ra khi chỉ số tiến về các ngưỡng cản quan trong ở 1.096 điểm hay 1.100 điểm, bên cạnh đó tín hiệu cũng cần lưu ý là khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng ở nhóm cổ phiếu Vn30.

Dù chưa xuất hiện những tín hiệu qua đáy từ lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như dữ liệu vĩ mô nhưng yếu tố thanh khoản đang tăng mạnh sẽ giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán có lợi thế. Ngoài nhóm cổ phiếu chứng khoán thì nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, sản xuất điện, dầu khí, … cũng rất đáng quan tâm.

Thanh khoản tăng mạnh sẽ giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán có lợi thế
Thị trường chứng khoán ngày 5/6/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu ngân hàng đưa VN-Index lần đầu vượt ngưỡng 1.090 điểm; Nhóm VinaCapital vừa bán ra 600.000 cổ phiếu QNS; Endurance Capital muốn bán ...

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 5/6/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả tổng hợp các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ...

Nhận định chứng khoán ngày 5/6/2023: VN-Index tiến lên ngưỡng 1.100 điểm

Thị trường tăng mạnh hơn 12 điểm trong phiên cuối tuần và đóng cửa tại mốc 1.090,84 điểm. CTCK nhận định, trong phiên 5/6, thị ...

Quỳnh Nga