Nhịp đập thị trường

Thanh khoản bùng nổ, VN-Index có cú rút chân hồi gần 60 điểm từ đáy

Đức Anh 04/04/2025 15:34

VN-Index giảm 19,17 điểm trong phiên 4/4 nhưng đà giảm đã thu hẹp nhờ sự phục hồi của nhiều mã trụ như VIC, LPB, VNM. Thanh khoản HOSE lập kỷ lục với hơn 42.000 tỷ đồng. Dù sắc đỏ chiếm ưu thế, lực cầu bắt đáy nhập cuộc rõ nét cho thấy tâm lý thị trường đang dần ổn định.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một phiên giao dịch nhiều cảm xúc trong ngày 4/4, khi áp lực bán vẫn còn hiện hữu sau cú sốc rũ mạnh trước đó, nhưng đà giảm đã được thu hẹp đáng kể nhờ sự trở lại đầy bất ngờ của một số cổ phiếu trụ.

Kết phiên, VN-Index giảm 19,17 điểm (có thời điểm trong phiên giảm tới gần 80 điểm), tương đương giảm 1,56%, về mức 1.210,67 điểm. Dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, nhưng diễn biến thị trường cho thấy lực cầu bắt đáy đã bắt đầu nhập cuộc rõ nét hơn, giúp chỉ số tránh được một phiên lao dốc sâu như phiên trước.

vnindex_2025-04-04_15-18-48.png
Nguồn: Fitrade

Thanh khoản toàn sàn HOSE tiếp tục đạt mức cao kỷ lục với gần 2 tỷ cổ phiếu được sang tay, tương ứng giá trị giao dịch lên đến 42.211 tỷ đồng – mức thanh khoản thuộc hàng cao nhất lịch sử.

a1.jpg
Thanh khoản sàn HOSE. Nguồn: Fitrade

Rổ VN30 cũng chứng kiến sự giằng co rõ nét khi chỉ giảm nhẹ 2,66 điểm (0,21%) xuống 1.280,52 điểm, nhờ vào sự nâng đỡ của nhiều mã trụ bất ngờ bứt phá. Khối lượng giao dịch tại nhóm VN30 cũng lên tới hơn 903 triệu đơn vị, đạt giá trị gần 24.639 tỷ đồng, phản ánh sự giằng co quyết liệt giữa bên bán chốt lời và bên mua bắt đáy.

Sự phục hồi mạnh mẽ của VIC khi tăng 3,74% lên 58.300 đồng/cp là điểm sáng đáng chú ý, đóng góp tới 2,02 điểm cho VN-Index và trở thành mã tác động tích cực nhất phiên.

Bên cạnh đó, LPB bứt phá trần 6,98%, VNM tăng 3,54%, VHM nhích 2,03% và STB cũng hồi phục 2,33%, cho thấy lực cầu đã bắt đầu lan tỏa tới các nhóm cổ phiếu lớn – đặc biệt là nhóm ngân hàng và tiêu dùng thiết yếu.

a2.jpg
Nguồn: Fitrade

Tuy vậy, áp lực từ một số mã lớn vẫn đè nặng lên chỉ số chung. GAS giảm 6,08%, lấy đi 2,03 điểm khỏi VN-Index, trong khi GVR, BCM, HPG và MSN đều giảm mạnh từ 3% đến gần 7%, kéo chỉ số mất thêm tổng cộng gần 5,3 điểm. Diễn biến trái chiều trong nhóm cổ phiếu trụ thể hiện sự phân hóa rõ rệt, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường đang trong giai đoạn tạo nền mới với tâm lý dần ổn định hơn sau những biến động dữ dội.

Trên sàn HNX, chỉ số giảm 1,8% về 216,97 điểm, phản ánh mức độ điều chỉnh vẫn hiện diện tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi UPCoM bất ngờ ngược dòng tăng 0,61% lên 91,13 điểm, cho thấy lực cầu đầu cơ đang quay lại ở một số mã thấp vốn. Thanh khoản tại cả hai sàn này tiếp tục duy trì mức cao với lần lượt 1.875 tỷ và 1.130 tỷ đồng – yếu tố cho thấy dòng tiền vẫn còn bám trụ trên thị trường thay vì rút lui hoàn toàn.

Nhóm hóa chất chứng kiến mức giảm sâu nhất với chỉ số toàn ngành mất tới 6,12%, khi hàng loạt mã lớn như DCM, DGC, CSV, LAS, PHR hay GVR đồng loạt lao dốc, phản ánh sự rút lui mạnh mẽ của dòng tiền khỏi nhóm vốn từng được kỳ vọng cao nhờ chu kỳ giá phân bón và nguyên liệu đầu vào.

Tài nguyên cơ bản cũng không khá hơn khi chỉ số ngành này giảm 2,03%, trong đó các cổ phiếu quen thuộc như HPG, HSG, NKG, KSB, TVN, VGS bị bán mạnh. Dù vậy, vẫn xuất hiện một vài điểm sáng hiếm hoi như MZG, VIF, BMJ hay KSV tăng điểm trong sắc đỏ bao trùm, cho thấy dòng tiền đang bắt đầu dò đáy ở một số cổ phiếu có định giá hấp dẫn.

Tại nhóm xây dựng và vật liệu, dù toàn ngành giảm 2,28% nhưng đã xuất hiện sự phân hóa đáng kể khi các mã như CC1, DNP, FIC, HBC, VCG hay LHC tăng mạnh, phản ánh kỳ vọng mới từ giải ngân đầu tư công và dòng vốn đang dần quay lại với nhóm cổ phiếu hạ tầng.

Tại nhóm bất động sản, dù chỉ số ngành giảm 1,29% nhưng sự trở lại của các mã trụ như VIC tăng 3,74%, VHM nhích 2,03% và PRT, AGG tăng tốt đã giúp kìm hãm đà giảm chung. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu đầu cơ thuộc nhóm này vẫn chưa thoát khỏi áp lực xả hàng như KDH, DXG, DXS, NVL hay KBC.

Dịch vụ tài chính tiếp tục chịu sức ép khi phần lớn các cổ phiếu chứng khoán như VND, SSI, HCM, FTS giảm điểm, dù một vài mã như VCI, TCI, BSI có tín hiệu hồi phục nhẹ. Dầu khí cũng không tránh khỏi nhịp điều chỉnh khi GAS giảm mạnh kéo theo PLX, PVD, PVS đồng loạt đỏ điểm, khiến chỉ số ngành giảm tới 5,47%.

Điểm sáng duy nhất là nhóm ô tô và phụ tùng khi có một phiên hồi phục đầy tích cực khi chỉ số ngành tăng 1,33%, với các đại diện như CTF, HUT, HHS bứt phá mạnh mẽ. Đây được xem là phản ứng phục hồi kỹ thuật sau nhịp điều chỉnh sâu, đồng thời cho thấy nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng trở lại trong quý II.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Thanh khoản bùng nổ, VN-Index có cú rút chân hồi gần 60 điểm từ đáy
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO