Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội Lam Kinh tôn vinh công đức của vua Lê Thái Tổ

Cập nhật: 18:35 | 17/09/2022 Theo dõi KTCK trên

Sáng 17/09/2022, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ hội Lam Kinh, kỷ niệm 604 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê đăng quang, 589 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Thanh Hóa: Quảng Xương Center của doanh nhân 9x liệu có đi tiếp tại dự án KĐT gần 1.300 tỷ đồng?

Xi măng Long Sơn bị xử phạt hơn nửa tỷ đồng

Tổ hợp công trình khách sạn của Việt Thanh VnC dính hàng loạt sai phạm

Dự lễ kỷ niệm có ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa và các Vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại diện dòng tộc họ Lê Việt Nam và đông đảo du khách.

Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội Lam Kinh tôn vinh công đức của vua Lê Thái Tổ
Tiết mục văn nghệ tái hiện lại cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Lam Kinh 2022 nhằm tri ân và tôn vinh công đức của anh hùng dân tộc Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ). Như sử sách ghi chép Đức vua Lê Thái Tổ sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đang đứng trước một thử thách hết sức nguy nan. Từ năm 1407, sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Tội ác của quân Minh chồng chất, khiến thần linh cũng căm giận, trời đất chẳng dung tha. Vận mệnh Quốc gia cùng với nền văn hóa dân tộc, cuộc sống của Nhân dân đứng trước nguy nan.

Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416 tại Lũng Nhai, Lê Lợi đã cùng 18 vị tướng tài tâm phúc đã mở Hội thề quyết tâm chống lại giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho nhân dân. Lời thề thiêng liêng đã lan tỏa và thu hút anh hùng hào kiệt từ mọi miền đất nước tìm về Lam Sơn tụ nghĩa. Ngày Mùng 2 Tết năm Mậu Tuất (1418), trong không khí thiêng liêng của Tết cổ truyền dân tộc, tại vùng rừng núi Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ.

Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội Lam Kinh tôn vinh công đức của vua Lê Thái Tổ
Ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghi thức đánh trống khai hội.

Trải qua 10 năm "nếm mật nằm gai" với bao đau thương mất mát, bằng nghệ thuật quân sự lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh, luôn giành thế chủ động trên các chiến trường. Với chiến thắng Chi Lăng, Xương Giang, Cần Trạm, buộc giặc Minh phải ký Hội thề Đông Quan… Năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã kết thúc thắng lợi, đất nước sạch bóng ngoại bang xâm lược. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã tạo nên một trong những mốc son đỉnh cao trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta; trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí anh dũng quật cường và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta trong thời kỳ phong kiến. Người Anh hùng có công đầu vì sự nghiệp vẻ vang ấy là Bình Định vương Lê Lợi cùng với các tướng sĩ và đồng bào cả nước. Dân tộc ta nói chung, Thanh Hóa nói riêng rất tự hào đã sinh ra vị Anh hùng đã làm nên chiến công rạng rỡ cho dân tộc.

Sau khi giành được độc lập cho đất nước, ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thìn (1428), tại Điện Kính Thiên của kinh thành Thăng Long, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên, khôi phục Quốc hiệu Đại Việt, lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm lịch sử. Đây là thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XV.

Trong 6 năm ở ngôi Hoàng đế, Lê Thái Tổ cho xây dựng một nhà nước Trung ương tập quyền vững mạnh, ban hành nhiều chính sách tiến bộ về ruộng đất, phát triển công thương nghiệp, cho lưu hành tiền tệ, đẩy mạnh giáo đục và lựa chọn hiền tài, mở rộng bang giao, giữ yên bờ cõi. Lê Thái Tổ đã quan tâm tới việc giữ gìn hòa hảo với các nước láng giềng nhằm mở nền thái bình muôn thuở, dập tắt muôn đời chiến tranh. Nhờ đó, nước Đại Việt vào thời Hậu Lê đã trở nên thái bình, thịnh trị, nhân dân được sống yên vui, hạnh phúc. Cùng với việc xây dựng Đông kinh (Thăng Long) là kinh đô đất nước, Lam Kinh cũng được đổi thành Tây Kinh, là kinh đô thứ hai, nơi có Sơn lăng, miếu điện của nhà Lê sơ.

Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội Lam Kinh tôn vinh công đức của vua Lê Thái Tổ
Các đại biểu cùng hàng vạn người dân và khách thập phương tham gia lễ hội.

Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (tức ngày 5/9/1433) Đức Vua Lê Lợi băng hà khi ở tuổi 49. Thi hài của Đức Vua được đưa về an táng tại Vĩnh Lăng đất Lam Sơn và khu điện miếu Lam Kinh cũng được bắt đầu xây dựng từ đây.

Được khởi dựng từ những thập kỷ đầu Thế kỷ XV, song hành cùng Đông Kinh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước dưới thời Lê, Di tích Lam Kinh bao gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc phục vụ chức năng tín ngưỡng, tri ân tổ tiên nhà Lê, là nơi an nghỉ của các vua và hoàng hậu nhà Hậu Lê, với hệ thống cảnh quan tạo ra sự hài hòa trong một không gian kiến trúc gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Khu di tích Lam Kinh là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử quan trọng về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Giá trị lịch sử của Lam Kinh được thể hiện như một “Bảo tàng lịch sử” về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Khu chính điện Lam Kinh tựa vào núi Dầu (núi Lam Sơn), bên tả có núi Bạch Hổ, bên hữu có núi Thanh Long (dãy núi Miềng), phía trước hướng Tây Nam có Núi Mục Sơn làm tiền án hữu, hướng Đông Nam có núi Chủ làm tiền án tả. Dòng sông Chu (sông Lương Giang) chảy qua trước khu Lam Kinh tạo minh đường (đường sáng) bao quanh toàn bộ khu Lam Kinh. Từ những yếu tố tự nhiên, con người hội tụ trên đã tạo cho Lam Kinh trở thành vùng đất địa linh nhân kiệt, một quần thể di tích lịch sử văn hóa gắn liền với hệ sinh thái môi trường của rừng đặc dụng quốc gia, một không gian linh thiêng cổ kính, điểm tham quan du lịch trọng điểm của Thanh Hóa và của cả nước.

Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội Lam Kinh tôn vinh công đức của vua Lê Thái Tổ
Nghi thức rước kiệu tại Lễ hội Lam Kinh

Từ những giá trị đặc sắc, nổi bật của khu di tích, ngày 28 tháng 4 năm 1962, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin đã ký Quyết định số 313-VH/QĐ công nhận Di tích danh thắng và lịch sử khu di tích Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá là di tích cấp Quốc gia; 50 năm sau đó, ngày 27 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá) là di tích Quốc gia đặc biệt. Sự kiện này đã khẳng định thêm những giá trị quan trọng của di tích không chỉ ở phương diện lịch sử, thắng cảnh mà cả ở bình diện kiến trúc và nghệ thuật đương thời. Đó chính là biểu hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất của truyền thống văn hoá, văn minh Đại Việt ở thế kỷ XV của dân tộc ta nói chung, niềm tự hào của nhân dân Thanh Hoá nói riêng.

Trong 10 năm kể từ khi di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, trong kế hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác tổng thể khu di tích đã được đặt ra, công việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích luôn được nhận thức trên một tầm cao mới và triển khai mạnh mẽ các giải pháp hữu hiệu cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích một cách cụ thể hơn. Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, khu di tích đã được đầu tư nguồn lực lớn để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị; nhiều hạng mục công trình tại khu di tích được phục dựng như: 5 tòa thái miếu, nghinh môn, chính điện, hệ thống các lăng mộ, nhà bia, đường tham quan, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở làng Như Áng (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), đền thờ vua Lê Thái Tổ (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân); quan tâm đầu tư các hạng mục phụ trợ như nâng cấp các tuyến đường vào khu di tích, giải phóng mặt bằng không gian cảnh quan phía trước khu di tích, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đầu tư cải tạo khu văn phòng làm việc, bãi đỗ xe, khu chức năng đón tiếp phục vụ; có chính sách bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường vùng phụ cận để vùng Lam Kinh trở thành vùng động lực thu hút phát triển du lịch và kinh tế xanh của tỉnh.

Thanh Hóa: Khai mạc Lễ hội Lam Kinh tôn vinh công đức của vua Lê Thái Tổ
Hàng vạn người dân nô nức đổ về Lễ hội Lam Kinh

Ngày 10/12/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5184/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác quản lý, khai thác phát triển Khu du lịch Lam Kinh - Thanh Hóa, giai đoạn 2015-2030”, với mục tiêu chung là: (1) Đổi mới toàn diện bộ máy quản lý Khu Du lịch Lam Kinh, xây dựng tổ chức bộ máy mới, đồng bộ để đáp ứng với yêu cầu phát triển, khai thác triệt để các thế mạnh và tiềm năng du lịch của địa phương; (2) Phát triển Khu Du lịch Lam Kinh trở thành điểm tham quan du lịch trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, đưa du lịch Lam Kinh trở thành điểm du lịch quan trọng trên bản đồ phát triển du lịch quốc gia; (3) Quản lý bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Lam Kinh, nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật triều đại Hậu Lê đối với lịch sử dân tộc; (4) Đưa Khu Du lịch Lam Kinh trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo lập hồ sơ khoa học và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận 05 bảo vật quốc gia gồm Bia Vĩnh Lăng, Bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao, Bia vua Lê Thánh Tông, Bia vua Lê Hiến Tông, Bia vua Lê Túc Tông.

Khai mạc Lễ hội Lam Kinh tôn vinh công đức của vua Lê Thái Tổ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Đầu Thanh Tùng, khẳng định vai trò, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và công đức của vua Lê Thái Tổ

Phát biểu tại buổi lễ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Đầu Thanh Tùng, khẳng định vai trò, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và công đức của vua Lê Thái Tổ. Đồng thời, tôn vinh những giá trị độc đáo, quý báu của khu di tích Lam Sơn. Đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm, sự đóng góp của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Lam Kinh.

Nhật Nam