Thắng thầu như "chẻ tre", Sông Đà 11 gánh nợ 'phình to' thêm 475 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh âm

Cập nhật: 06:00 | 05/06/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Sông Đà 11 (HNX: HNX) gây chú ý khi liên tục trúng thầu trong thời gian qua. Doanh thu tăng trưởng trong quý đầu năm 2024 tuy vậy khoản nợ hơn ngàn tỷ vẫn đặt nặng trên vai nhà thầu xây lắp ngành điện này.

Dồn dập trúng thầu

Chỉ trong vài ngày cuối tháng 5/2024, Sông Đà 11 đã được công bố trúng liên tiếp 3 gói thầu xây lắp giá trị từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 29/5/2024, ông Bùi Hải Thành, Phó TGĐ Tổng công ty Điện lực TP.HCM ký Quyết định 2248/QĐ-EVNHCMC phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói xây lắp đường dây trên không, đoạn từ G17A đến G21 (bao gồm đoạn 02 mạch 110kV đấu nối vào TBA 110 kV Hóc Môn 20.

Gói thầu này có giá 203.900.956.134 đồng. Đây là gói thầu thuộc Dự án đường dây 220 - 110kV Cầu Bông – Bình Tân. Trước đó, kết quả mở thầu ngày 17/4/2024 cho thấy có 6 nhà thầu tham gia. Ngoài Sông Đà 11, gói thầu còn có sự góp mặt của một số ứng viên nặng ký như Công ty CP Tập đoàn PC1, Liên danh của Công ty CP Lizen (Licogi 16) hay Liên danh của Công ty CP Xây lắp Điện Hà Nội.

Sông Đà 11 dồn dập trúng thầu trong thời gian ngắn
Sông Đà 11 dồn dập trúng thầu trong thời gian ngắn

Theo báo cáo đánh giá E-HSDT, chỉ có 3 nhà thầu vượt qua bước đánh giá năng lực kinh nghiệm gồm Sông Đà 11, Liên danh Lizen và Công ty CP Tập đoàn PC1. Tại cuộc ‘so găng’ về tài chính, Sông Đà 11 là nhà thầu xếp hạng 1 khi bỏ giá dự thầu thấp nhất. Giá trúng thầu của doanh nghiệp này là 175.875.769.805,3612 đồng.

Ngày 31/5/2024, Sông Đà 11 cùng lúc được công bố trúng 2 gói thầu tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, theo các quyết định do Tổng giám đốc Phạm Lê Phú ký duyệt.

Đó là gói thầu số 10: Cung cấp, vận chuyển cột thép đường dây 220kV thuộc dự án Trạm biến áp 220kV Hải Hậu và đường dây đấu nối. Gói thầu có giá dự toán sau khi phê duyệt KHLCNT là 54.899.512.506 đồng, giá trúng thầu của Sông Đà 11 là 54.893.381.014 đồng. Kết quả cho thấy, thông qua hoạt động đấu thầu không mang lại hiệu quả kinh tế cho DN có vốn nhà nước.

Tại gói thầu số 11: Cung cấp, vận chuyển cột thép, Dự án Trạm biến áp 220 kV Vũ Thư và đường dây đấu nối, có giá dự toán sau khi phê duyệt KHLCNT là 18.556.536.390 đồng, giá trúng thầu của Sông Đà 11 là 17.767.942.600 đồng.

Bên cạnh 3 gói thầu nêu trên, dữ liệu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, Sông Đà 11 trúng thầu như "chẻ tre" khi được công bố trúng tổng cộng 21 gói thầu cả độc lập lẫn liên danh. Như vậy chưa đến nửa năm, Sông Đà 11 đã trúng thầu nhiều gấp đôi năm 2023 và gấp 7 lần năm 2022 nếu chỉ xét về số lượng gói thầu.

Nợ phải trả hơn 1.640 tỷ, dòng tiền kinh doanh âm nặng

3 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của Sông Đà 11 đạt 165,4 tỷ đồng, tăng 17,3%; lãi gộp ở mức 64,1 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính và phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nhẹ so với quý 1/2023, Sông Đà 11 khép lại quý đầu năm 2024 với lãi ròng 33,1 tỷ đồng, tăng đến 108,1% so với cùng kỳ.

Tại 31/3/2024, tổng tài sản Công ty ở mức 2.416 tỷ đồng, tăng 25,9% so với đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn tăng khá mạnh. Riêng hàng tồn kho tăng gần 338 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng, lên mức 465,7 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng lên 475,8 tỷ đồng. Hai khoản mục này đã chiếm 85,8% tài sản ngắn hạn, cho thấy chất lượng tài sản của Công ty tương đối xấu, và lợi nhuận của Công ty vẫn chỉ nằm trên sổ sách.

Việc gia tăng các khoản phải thu cũng như hàng tồn kho cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ bị âm đến 182,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn dương 48,9 tỷ đồng. Để bù đắp, Sông Đà 11 rất tích cực đi vay. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, Công ty đã vay thêm hơn 380,3 tỷ đồng. Gánh nợ phải trả do đó đã tăng từ 1.166,6 tỷ đồng hồi đầu năm 2024 lên hơn 1.642 tỷ đồng tại 31/3/2024.

Tình hình nợ vay ngắn hạn của Sông Đà 11
Tình hình nợ vay ngắn hạn của Sông Đà 11

Như vậy, khoản nợ phải trả của Sông Đà 11 đã cao gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn của Công ty (1.065,3 tỷ đồng) đã xấp xỉ tài sản ngắn hạn (1.076,3 tỷ đồng). Điều này càng cho thấy Công ty đang chịu áp lực tài chính rất lớn.

Chủ nợ lớn nhất trong ngắn hạn của Sông Đà 11 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hoàn Kiếm với khoản vay xấp xỉ 227,5 tỷ đồng. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hà Đông cũng đang cấp 3 khoản vay cho Sông Đà 11, tổng cộng xấp xỉ 160 tỷ đồng.

Về dài hạn, chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng TMCP Việt Nam – Chi nhánh Hà Tây (330,6 tỷ đồng).

Cao Thái