Kiến thức

"Thần Vũ hoàng đế" - Người đặt nền móng lịch sử đầu tiên cho cái tên Đại Việt và câu chuyện chọn "đất rồng" làm kinh đô

Tuấn Anh 08/05/2025 20:00

Đây là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Việt Nam. Triều đại của ông mở đầu cho một thời kỳ ổn định kéo dài hơn 200 năm về sau.

Từ nhà sư ở Cổ Pháp đến vị vua khai sáng Thăng Long

Trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, Lý Thái Tổ (tên thật là Lý Công Uẩn) được ghi nhớ không chỉ là người sáng lập triều đại nhà Lý kéo dài hơn hai thế kỷ, mà còn là vị hoàng đế đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, mở ra một chương mới cho đất nước. Sự trị vì của ông từ năm 1009 đến 1028 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng từ giai đoạn đầy biến động sang thời kỳ thịnh trị đầu tiên của chế độ quân chủ phong kiến độc lập.

Vua Lý Thái Tổ
Vua Lý Thái Tổ

Sinh năm 974 tại châu Cổ Pháp (nay thuộc Bắc Ninh), Lý Công Uẩn có xuất thân đặc biệt khi được sư Lý Khánh Văn nuôi dưỡng từ thuở nhỏ và sau đó theo học thiền sư Vạn Hạnh. Nhờ tư chất thông minh, đĩnh đạc, ông được nhà Tiền Lê trọng dụng và thăng tiến nhanh chóng trong quân đội, giữ chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ – một trong những vị trí then chốt tại triều đình.

Lên ngôi trong giai đoạn đầy biến động

Sau khi vua Lê Long Đĩnh băng hà năm 1009, triều đình rơi vào tình trạng tranh chấp quyền lực. Trong bối cảnh đó, các đại thần, đặc biệt là Chi hậu Đào Cam Mộc và thiền sư Vạn Hạnh, đã ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi. Với sự đồng thuận của quần thần, ông đăng cơ vào ngày 21/11/1009, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, mở ra triều đại nhà Lý – một trong những vương triều ổn định và phát triển dài lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Lý Thái Tổ không chỉ được hậu thuẫn bởi tầng lớp trí thức Phật giáo mà còn được lòng dân nhờ tính cách khoan dung, trọng nhân nghĩa. Ngay sau khi lên ngôi, ông truy phong cha mẹ và thân quyến, khẳng định cội rễ dòng tộc và sự chính danh của triều đại mới.

Dời đô về Thăng Long: Một quyết định thay đổi cục diện lịch sử

Một trong những sự kiện có ý nghĩa lịch sử lớn nhất dưới triều đại của Lý Thái Tổ là việc dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Hà Nội ngày nay) vào năm 1010. Theo Chiếu dời đô, ông cho rằng Hoa Lư là vùng đất chật hẹp, không thuận lợi cho việc mở mang lâu dài. Đại La – với vị trí địa lý trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, giao thông thuận lợi, địa thế rộng rãi và vững chắc là lựa chọn lý tưởng để xây dựng kinh đô mới.

Công viên Lý Thái Tổ
Vườn hoa Lý Thái Tổ tại Hà Nội - Nơi ghi nhớ công lao của ông trong việc rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long

Khi thuyền vua đến bến Đại La, tương truyền có rồng vàng hiện ra, nên ông đổi tên thành Thăng Long – mang ý nghĩa “rồng bay lên”. Tại đây, ông cho xây dựng cung điện, thành quách, phủ đệ, mở đầu cho một giai đoạn phát triển đô thị và hành chính mới, đặt nền móng cho Hà Nội ngày nay.

Trị nước bằng đạo Phật và cải cách hành chính

Vốn xuất thân từ chốn thiền môn, Lý Thái Tổ đặc biệt sùng đạo Phật. Ông không chỉ hậu đãi giới tăng lữ mà còn cho xây dựng nhiều chùa chiền, như chùa Chân Giáo, chùa Hưng Thiên, chùa Thắng Nghiêm... Đồng thời, ông sai sứ sang nhà Tống để thỉnh kinh Phật về nước, tiếp tục đưa Phật giáo trở thành quốc giáo và là nền tảng tư tưởng trị quốc của nhà Lý.

Mặt khác, ông cũng triển khai hàng loạt chính sách cải cách hành chính: củng cố triều đình trung ương, mở rộng phủ huyện, ban hành các quy định quản lý đất đai, lương thực và thuế khóa. Dưới thời ông, quốc gia bước đầu đi vào ổn định, lòng dân yên, sản xuất phát triển và văn hóa được khuyến khích.

Qua đời và truyền ngôi

Ngày 31/3/1028, sau 19 năm trị vì, Lý Thái Tổ qua đời tại điện Long An, hưởng thọ 54 tuổi. Khi ông vừa băng hà, ba vương gia là Vũ Đức vương, Đông Chinh vương và Dực Thánh vương âm mưu nổi loạn, nhằm tranh ngôi Thái tử Lý Phật Mã. Tuy nhiên, với sự can thiệp dũng cảm của Võ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu, cuộc binh biến bị dẹp yên nhanh chóng.

Thái tử Lý Phật Mã sau đó lên ngôi, tức Lý Thái Tông, tiếp nối sự nghiệp phụ hoàng. Lý Công Uẩn được an táng tại Thọ Lăng, phủ Thiên Đức, truy tôn miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Thần Vũ Hoàng đế.

      Nổi bật
          Mới nhất
          "Thần Vũ hoàng đế" - Người đặt nền móng lịch sử đầu tiên cho cái tên Đại Việt và câu chuyện chọn "đất rồng" làm kinh đô
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO