Tham vọng của DB Insurance trên thị trường bảo hiểm Việt Nam

Cập nhật: 14:33 | 28/02/2023 Theo dõi KTCK trên

Liên tục thể hiện tham vọng muốn sở hữu một doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam, DB Insurance đang kỳ vọng gì vào thị trường này?

Công ty TNHH Bảo hiểm DB (DB Insurance) mới đây đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI, UPCoM: AIC) với nhóm 20 cổ đông đang sở hữu gần 75,18 triệu cổ phần của VNI. Theo bản hợp đồng ký kết ngày 22/2, doanh nghiệp bảo hiểm từ Hàn Quốc sẽ nhận chuyển nhượng 75 triệu cổ phiếu, tương đương 75% vốn điều lệ của VNI.

Giao dịch chuyển nhượng được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo thỏa thuận giữa các bên. VNI đã tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường và phê duyệt nội dung này.

Tham vọng lớn

Bảo hiểm Hàng không được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập đầu tiên của doanh nghiệp này là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), CTCP Nam Việt (NAVICO) và các cổ đông khác.

Hiện, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp - Công ty TNHH MTV đang nắm giữ 22,39% cổ phần của doanh nghiệp (tương đương gần 22,4 triệu cổ phiếu AIC).

Theo danh danh sách thoái vốn (gồm 19 nhà đầu tư cá nhân và 1 tổ chức) mà VNI cung cấp, hầu hết các cổ đông đăng ký bán cổ phần đều có liên quan đến Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển).

DB Insurance đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2015.
DB Insurance đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2015.

Về VNI, tổng tài sản đến cuối năm 2022 xấp xỉ 3.729 tỷ đồng. Các năm gần đây, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này đều khá ấn tượng và vượt đáng kể so với mức trung bình ngành.

Năm 2022, VNI đạt 2.228 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Doanh thu tài chính vẫn nhích nhẹ dù điều kiện thị trường khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hụt đáng kể khoản lãi đầu tư so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VNI đạt 20 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm trước.

Theo DB Insurance, VNI là sự bổ sung có giá trị cho danh mục đầu tư, đặc biệt khi tổng công ty này có mạng lưới bán hàng và thị phần đáng kể trong lĩnh vực bảo hiểm ô tô. Trước đó, Tập đoàn này đã mua thành công 30 triệu cổ phần PTI của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (tương đương tỷ lệ 37%) vào năm 2015.

Tại thời đó, DB Insurance có tham vọng trong việc chi phối PTI nhưng đã chịu thua trước nhóm VNDirect trong phiên đấu giá 18,2 triệu cổ phần PTI của công ty bảo hiểm này từ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) trung tuần tháng 12/2021, và trở thành nhóm cổ đông thiểu số, dù vẫn có quyền phủ quyết rất lớn.

Việc quyết tâm sở hữu một doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam của DB Insurance cho thấy tham vọng của Tập đoàn này với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Vậy, thị trường này có gì “béo bở”?

DB Insurance kỳ vọng gì ở thị trường Việt Nam?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm đã hồi phục mạnh, đặc biệt ở lĩnh vực phi nhân thọ. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 16,2% trong năm 2022, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,8%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 17,3% so với năm 2021.

Hiện, dư địa phát triển của ngành bảo hiểm còn khá lớn bởi quy mô thị trường còn khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới, với tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP còn thấp (khoảng 3%) so với các nước tiên tiến trong khu vực (10%) và trên thế giới (7%), số lượng người tham gia bảo hiểm nhân thọ chiếm khoảng 11% dân số.

Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2023, phát triển thị trường bảo hiểm đạt được quy mô bằng 3,3-3,5% GDP; có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025, 5 triệu đồng năm 2030.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, sự việc các công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm mới cho vay vốn, hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết khiến bảo hiểm đang trở thành “cơn ác mộng” với người dân Việt Nam.

Điển hình như câu chuyện, Công ty TNHH Manulife Việt Nam bị nhiều khách hàng tố cáo, bán bảo hiểm thông qua kênh đối tác ngân hàng SCB có hành vi lừa dối. Cụ thể, theo nội dung tố cáo: đại lý bảo hiểm và nhân viên SCB tiếp thị, giải thích sai làm mọi người nhầm lẫn và ký kết Hợp đồng không đúng với mục đích của mình và cách tổ chức bán bảo hiểm và thái độ giải quyết khiếu nại của Manulife là trốn tránh, phủi tay, vô trách nhiệm.

Trong khi đó, đánh mất niềm tin của khách hàng là một trong những rủi ro lớn nhất hiện nay của các công ty bảo hiểm. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn phải đối mặt với các thách thức cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng, rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh…; thu nhập của khách hàng giảm sút; vấn đề trục lợi bảo hiểm.

Quang Đăng

Tin cũ hơn
Xem thêm