Techcombank (TCB) được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ

Cập nhật: 07:04 | 05/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) thêm hơn 63,2 tỷ đồng.

Techcombank lập kỷ lục mới với khoản vay hợp vốn nước ngoài trị giá 1 tỷ USD

Techcombank thu hút nhân tài quốc tế tại Singapore và London

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 4274/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB).

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc TCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 63.237.160.000 đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động của TCB đã được Đại hội đồng cổ đông TCB thông qua tại Nghị quyết ngày 23/4/2022.

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022 tổ chức hồi tháng 4
Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022 tổ chức hồi tháng 4

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu TCB thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật; TCB chỉ được thực hiện tăng vốn theo quy định khi tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành; thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư mua cổ phần của TCB thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của cổ đông theo đúng quy định tại Điều 54, Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung), Thông tư số 50/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư số 50) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật, TCB thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 Thông tư số 50.

Về kết quả kinh doanh, quý I/2022, TCB báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng tới 23%. Tổng thu nhập hoạt động tăng 13,2% so với cùng kỳ, đạt 10.100 tỷ đồng với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi.

Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý I/2022 đạt 418,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2020, phản ánh nhu cầu tín dụng lành mạnh ở tất cả các phân khúc khách hàng.

Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 171,6 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ 18,1% so với cuối quý I/2021, đạt 270,9 nghìn tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2022, tổng tiền gửi của ngân hàng là 328,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản vay hợp vốn tăng gần 3 lần, đạt 34,3 nghìn tỷ đồng và giấy tờ có giá đạt 32,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro giảm tới 74,3% so với cùng kỳ năm trước do nhiều doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

TCB tiếp tục củng cố vị thế đầu ngành về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 165.700 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ 50,4% khi kết thúc quý I/2022.

Về thanh khoản và vốn, trong quý I/2022, TCB tiếp tục duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi đạt xấp xỉ 72%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn ở mức 32,2%, thấp hơn so với mức quy định của NHNN.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 15,1% cuối quý I/2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và nhích nhẹ so với cuối năm 2021.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu TCB cuối quý I chỉ ở mức 0,7% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh đạt 160,8%.

Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2% so với 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 446.500 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức NHNN cho phép. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.

Hoàng Hà