Techcombank “bơm” thêm 350 tỷ đồng giúp Phúc Long mở rộng kinh doanh

Cập nhật: 10:02 | 19/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Techcombank đã phê duyệt cấp khoản tín dụng 350 tỷ đồng cho Công ty CP Phúc Long Heritage nhằm tài trợ chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

SSI dự báo NIM của Vietcombank (VCB) đi ngang trong quý 2

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nhiều ngân hàng Việt Nam giảm tỷ lệ CIR xuống 30% nhờ tích cực chuyển đổi số

Tin đồn hạ lãi suất, VN-Index bùng nổ trong phiên đáo hạn phái sinh

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – HOSE: TCB) vừa có nghị quyết phê duyệt cấp khoản tín dụng 100 tỷ đồng cho Công ty CP Phúc Long Heritage (PLH) để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là khoản tín dụng có thời hạn 12 tháng.

Ngoài ra, Techcombank cũng cấp thêm mức tín dụng 250 tỷ đồng cho Phúc Long. Khoản tín dụng này có thời hạn 24 tháng, nhằm tài trợ chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại mọi thời điểm dư nợ tín dụng của Phúc Long không vượt quá 350 tỷ đồng.

Techcombank “bơm” thêm 350 tỷ đồng giúp Phúc Long mở rộng kinh doanh
Techcombank “bơm” thêm 350 tỷ đồng giúp Phúc Long mở rộng kinh doanh.

Thành viên của Tập đoàn Masan, Công ty TNHH The Sherpa là đơn vị là đơn vị bảo lãnh cho khoản vay của Phúc Long tại Techcombank. Doanh nghiệp này sẽ chịu toàn bộ nghĩa vụ tài chính của Phúc Long phát sinh từ các hợp đồng tín dụng đã được ký kết giữa Phúc Long và Techcombank.

Vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đã công bố kết quả kinh doanh quý I, trong đó có đề cập tới kết quả kinh doanh của chuỗi Phúc Long. Theo đó, chuỗi Phúc Long Heritage (PLH) đạt mức tăng trưởng doanh thu 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ mở mới của chuỗi cửa hàng giảm do tâm lý người tiêu dùng thắt chặt.

Theo Masan, trong khi doanh thu tăng 6,2% trong quý I so với cùng kỳ năm 2022 nhờ có nhiều cửa hàng flagship được mở hơn, lợi nhuận của chuỗi PLH lại giảm do doanh thu/cửa hàng flagship thấp và kiosk (ki-ốt) hoạt động kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành bán lẻ F&B bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức, ban lãnh đạo Masan đã thận trọng trong việc mở các cửa hàng flagship mới. Theo đó, chỉ có ba cửa hàng flagship mới và hai cửa hàng mini mới được mở trong quý I.

Doanh thu cửa hàng flagship của PLH trong ba tháng đầu năm ghi nhận 311 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên EBITDA (Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao) giảm do doanh thu/cửa hàng giảm.

Đối với kiosk, phía PLH đang thử nghiệm mô hình “Hub-and-spoke” cho kiosk với một số kết quả ban đầu khả quan. Mô hình “Hub-and-spoke” được định nghĩa là mô hình chuyển khách hàng online từ cửa hàng flagship sang kiosk xung quanh đó vào giờ cao điểm. Động thái này giúp các cửa hàng flagship phục vụ khách hàng tại cửa hàng tốt hơn và tăng doanh thu hàng ngày của các kiosk lên 2,8 lần trong giai đoạn thử nghiệm.

Trong quý I, để nâng cao tính nhất quán về chất lượng và nâng tầm thương hiệu, ban lãnh đạo công ty đã giảm quy mô và cải tiến thực đơn của Phúc Long. Đồng thời, để tăng tỷ suất lợi nhuận gộp và tinh giảm hàng tồn kho, PLH đã và đang cải thiện quy trình thu mua và tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu có giá tốt hơn.

Ban lãnh đạo Masan cho biết PLH dự kiến mở mới 10 cửa hàng flagship trong quý II, đồng thời cải thiện năng suất kinh doanh các cửa hàng. Bằng cách thử nghiệm mô hình mới, đóng cửa các địa điểm hoạt động kém hiệu quả, PLH sẽ hạn chế thua lỗ từ các kiosk.

Được biết, khách hàng mục tiêu của Phúc Long vẫn là khách hàng trẻ. Để thu hút nhóm khách hàng này, Phúc Long sẽ liên tục xây dựng thương hiệu và hướng đến dịch vụ cá nhân hoá, có những hoạt động cao cấp hoá các dòng sản phẩm.

Phương Thảo