Tập đoàn PAN (PAN): Cổ đông "nhịn" cổ tức năm 2021 và 2022

Cập nhật: 11:02 | 27/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, CTCP Tập đoàn Pan (HOSE - Mã: PAN) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2022 vào chiều 26/4.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc tài chính PAN cho biết, năm 2021, hoạt động M&A không có, hoạt động đầu tư đáng chú ý là nâng sở hữu tại CTCP Khử trùng Việt Nam (mã VFG – sàn HOSE) từ 47,97% lên 50,33% vốn điều lệ và chính thức hợp nhất vào Tập đoàn; góp vốn vào CTCP Thực phẩm Khang An, nâng sở hữu trực tiếp lên 28,57% vốn điều lệ.

Trong năm 2022, PAN đặt kế hoạch doanh thu 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 54,6% và 47,8% so với thực hiện trong năm 2021.

5705-thepangroup-1649239034
Tập đoàn PAN (PAN): Cổ đông nhịn cổ tức năm 2021 và 2022. Hình minh họa.

Định hướng phát triển trong năm tài chính 2022, đối với mảng giống cây trồng, lương thực và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng sẽ hưởng lợi từ việc điều kiện thực hiện sản xuất kinh doanh bán hàng không còn bị cản trở do dịch. Nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm bảo vệ thực vật.

Mảng thực phẩm bánh kẹo dự kiến có sự phục hồi tốt cùng với sự tăng lên của sức cầu nội địa sau dịch, kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng về mức trước dịch. Trong khi đó mảng hạt xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao từ năm 2021, sẽ thực hiện việc tăng quy mô sản xuất trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu cao hiện tại với các sản phẩm của công ty.

Đối với mảng xuất khẩu thủy sản, công ty kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu lớn từ các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật… khi các nước này đã mở cửa trước Việt Nam và đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Việc hợp nhất cả năm kết quả kinh doanh của VFG cũng sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng năm 2022 của Tập đoàn.

Xét về kế hoạch cổ tức, năm 2021, PAN thông qua kế hoạch không trả cổ tức để dồn nguồn lực cho việc thực hiện chiến lược M&A trong thời gian tới. Bước sang năm 2022, công ty dự kiến tiếp tục không trả cổ tức để dành nguồn lực cho các kế hoạch M&A.

Ngoài ra, Công ty cũng tiến hành bầu lại HĐQT gồm 7 người, bao gồm ông Nguyễn Duy Hưng, bà Nguyễn Thị Trà My, ông Phạm Viết Muôn, bà Hà Thị Thanh Vân, bà Nguyễn Vũ Thuỳ Hương, ông Nguyễn Duy Khánh và ông Bùi Xuân Tùng.

Được biết, ông Nguyễn Duy Hưng đang là Chủ tịch Tập đoàn PAN từ 2013 tới nay. Ngoài ra, ông Hưng đang là Chủ tịch HĐQT tại Chứng khoán SSI, Công ty TNHH Đầu tư NDH, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI…

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng 27/4, cổ phiếu PAN đang giao dịch quanh mức giá 25.200 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt 447.700 đơn vị.

0010-pan
Diễn biến giá cổ phiếu PAN trong thời gian gần đây. (Nguồn: Tradingview).

Về phần thảo luận tại Đại hội: Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT cho biết: Công ty đã nộp hồ sơ lên Ủy Ban chứng khoán, đang chờ quyết định của cơ quan nhà nước. Phía Công ty vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng vốn và do việc chờ cơ quan nhà nước nên để chủ động, công ty đã không trả cổ tức năm 2021.

Được biết trước đó, tại Đại hội cuối năm 2021 đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 86,54 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 5:2, cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu nhận thêm 2 cổ phiếu mới; thực hiện chào bán 108,18 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu nhận quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 15.000 đồng.

Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán gần 1.623 tỷ đồng, Tập đoàn PAN dự kiến dùng để đầu tư tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên hoạt động có hiệu quả, nâng cao lợi ích tổng thể cho Công ty (825 tỷ đồng); đầu tư M&A các công ty mới (400 tỷ đồng); đầu tư ngắn và trung hạn vào các sản phẩm đầu tư an toàn, có lãi suất cố định trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ, tối ưu hóa nguồn vốn cho Công ty (100 tỷ đồng).

Ngoài ra, góp thêm vốn cho các công ty thành viên, phục vụ mục đích đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng (76 tỷ đồng) và tái cơ cấu lại các khoản vay nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực về tài chính cho Công ty (221,69 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, theo Ông Nguyễn Duy Hưng: Việc mua cổ phiếu quỹ là giải pháp, tuy nhiên dễ hơn là tìm đối tác mua cổ phiếu. Tôi khẳng định, tôi và người thân không mua bán cổ phiếu phiếu PAN và SSI. Khi cổ phiếu rẻ, nhiều tổ chức sẽ muốn mua ngay, tuy nhiên còn vướng thủ tục.

Việc định giá lại tài sản, chỉ là ngắn hạn. Đối với công ty, sẽ tìm các đối tác mua lại một phần tại các đơn vị công ty đang đầu tư để cùng phát triển. Ngay từ đầu, công ty cũng xác định đầu tư dài hạn, nhiều cổ đông theo cùng công ty 10 năm. Nếu chúng ta nhìn ngắn hạn, như vậy khó có bước đi dài. Công ty xây dựng lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững, hiện tại số 1 về giống; số 1 về thuốc bảo vệ thực vật và các phụ kiện nông nghiệp; đứng thứ 3 về doanh số xuất khẩu tôm, nhưng thứ nhất về lợi nhuận xuất khẩu tôm. Khi có Khang An, Công ty có thể sản xuất được cả hàng từ nông sản, mở ra hướng hoàn toàn mới cho ngành thuỷ sản Việt Nam.

Hàng năm, công ty vẫn cam kết với cổ đông tăng trưởng đều. Công ty trung thành với sự phát triển dài hạn. Trong đó, công ty đang sử dụng công ty kiểm toán tốt nhất.

Ngoài ra, về việc Tập đoàn bán vốn Sao Ta (FMC) cho C.P Việt Nam và ngược lại, tại sao Sojitz Việt Nam bán vốn? Chủ tịch HĐQT đưa ra nhận định: Công ty đi tìm chiến lược để phát triển Tập đoàn PAN và họ hưởng lợi ích từ sự phát triển của PAN, nếu cùng định hướng sẽ là đối tác, nếu không còn cùng định hướng vẫn là bạn, đối tác kinh doanh, khi đó lợi ích không xây dựng trong chuỗi PAN.

Dù là cổ đông nào, nếu đầu tư vào PAN, tất cả phải vì lợi ích chung là PAN và quyền lợi họ được hưởng do phần vốn góp vào Tập đoàn. PAN không trở thành công ty con, hay lệ thuộc vào bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào.

C.P Việt Nam vào do cảm thấy có lợi ích nên họ đầu tư, còn Sojitz cảm thấy không hài lòng, thì họ bán cổ phiếu. Trong kinh doanh, không làm với nhau vẫn là bạn, nếu phù hợp với lợi ích thì cùng làm, nếu cảm thấy lợi ích chưa phù hợp, thì chọn lợi ích tốt hơn, mỗi bên “ăn cây nào rào cây ấy”, mọi bên quyết định vì lợi ích của mình dựa trên cơ sở không làm tổn lại lợi ích của bên còn lại, chúng tôi đều đạt được thoả thuận như vậy.

Nói cuối cùng đối với nhà đầu tư đó là giá cổ phiếu, thế nhưng chúng ta cũng không làm được gì, bởi thực ra, ban lãnh đạo, hội đồng quản trị đã làm tốt nhất có thể, cho tới ngày hôm nay, tôi nói ra gì thì đều làm được, nhưng giá cổ phiếu thì phải chịu, phải thua, hy vọng sau mỗi lần như thế này, thị trường được kiểm soát lại, lúc đó chắc chắn cổ đông sẽ thấy những gì của chúng ta sẽ về chúng ta.

Nhựa Tiền Phong (NTP) chốt danh sách cổ đông chi trăm tỷ trả cổ tức đợt 2/2021

Ngày 10/5 tới đây CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 2/2021 ...

Hơn 100.000 tỷ đồng gửi tại các công ty chứng khoán - Lực cầu bắt đáy đầy tiềm năng

Theo ông Phan Linh, Giám đốc Chuyên môn sản phẩm Công ty Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam, 100.000 tỷ đồng là ...

Loạt doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức, thưởng cổ phiếu trong tháng 5/2022

Các doanh nghiệp sẽ tiến hành chốt danh sách, trả cổ tức trong tháng 5: HUG, TET, DHA, IDC, BAX, IDP, NTP, AGP.

Quỳnh Nga

Tin cũ hơn
Xem thêm