Tạo cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay
Thời gian qua, dù ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Năm 2024 vừa qua, dư nợ tín dụng dành cho các đơn vị nêu trên chỉ tăng khoảng 10%-11%.
.jpg)
Khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) công bố cuối tháng 2/2025 cho thấy, có đến 37% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rơi vào tình trạng thiếu vốn kinh doanh. 59% số doanh nghiệp được khảo sát đề nghị được hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất. Theo HUBA, hiện nhiều doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả nợ và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo. Ở nhóm doanh nghiệp gia đình, có nhiều chủ doanh nghiệp sử dụng tài sản cá nhân để vay vốn tiêu dùng, vốn phục vụ cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, từ đó dẫn đến thâm hụt vốn.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn vay được xác định là do các ngân hàng vẫn ưu tiên cấp vốn cho các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn có uy tín để hạn chế rủi ro trong nợ xấu. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Do đó, tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế về công nghệ, khả năng quản trị và sức cạnh tranh. Trong khi đó, thủ tục vay vốn phức tạp về hồ sơ, tài sản thế chấp. Nhiều đơn vị cần vốn để mở rộng sản xuất, nhưng khó vay đủ, hoặc khó vay dài hạn. Chưa kể, mức lãi suất vay còn là gánh nặng, dù có hỗ trợ trong một số giai đoạn, nhưng lãi suất vẫn còn cao so với khả năng tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể xem xét đưa ra chính sách ưu đãi cụ thể hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chẳng hạn như bảo lãnh tín dụng hoặc giảm điều kiện vay vốn. Các ngân hàng thương mại cũng cần linh hoạt hơn trong việc đánh giá hồ sơ vay, thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp. Các ngân hàng cần xây dựng gói tín dụng linh hoạt, phù hợp đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và vừa như: khoản vay tín chấp dựa trên dòng tiền kinh doanh, khoản vay theo hợp đồng đầu ra hoặc khoản vay dựa trên tài sản hình thành từ vốn vay. Về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần xây dựng báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập để tạo niềm tin với ngân hàng. Đồng thời, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh khả thi và phương án sử dụng vốn hiệu quả để tăng cơ hội tiếp cận vốn.