Tăng trưởng ngành dệt may có thể chững lại trong nửa cuối năm 2022

Cập nhật: 16:23 | 26/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Nhiều tín hiệu khởi sắc trong những tháng đầu năm 2022

Trong kỳ, thị trường dệt may Việt Nam đang được hưởng lợi từ các biến động địa chính trị trên thế giới, ví dụ như chính sách Zero - Covid của Trung Quốc.

Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) đã ghi nhận doanh thu 4 tháng đầu năm đạt 64,3 triệu USD (1.487 tỷ đồng), tăng 19%; lợi nhuận sau thuế 3,8 triệu USD, tăng 14%. Sản phẩm của Dệt may Thành Công chủ yếu xuất khẩu sang châu Mỹ với tỷ trọng 50% (Mỹ 33,3% và Canada 16,7%), tiếp đến châu Á đạt 43,8% (chủ yếu Hàn Quốc và Nhật Bản).

Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Dệt may Thành Công cho biết cơ hội cho dệt may Việt Nam nói chung là hiện Trung Quốc đang tập trung ưu tiên các sản phẩm cao cấp, nên các sản phẩm thấp hơn được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Sri Lanka bị vỡ nợ nên những đơn hàng sẽ được chuyển sang Việt Nam. Thành Công đã có đơn hàng đến hết quý III năm nay. Tình hình đơn hàng ổn định do các thị trường phục hồi.

Tăng trưởng ngành dệt may có thể chững lại trong nửa cuối năm 2022
Ngành dệt may có thể tăng trưởng chững lại trong nửa cuối năm 2022. Ảnh minh họa

Trong tháng 4, một doanh nghiệp dệt may khác cũng có kết quả khả quan là Dệt may TNG (HNX: TNG). Cụ thể, công ty này đã ghi nhận doanh thu 1.815 tỷ đồng, tăng 42,4% và lãi sau thuế 56 tỷ đồng, tăng 65,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I, các doanh nghiệp ngành dệt may khác cũng ghi nhận những kết quả tích cực.

Ông lớn trong ngành là Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) công bố BCTC hợp nhất quý I với doanh thu thuần 4.900 tỷ đồng, tăng 45%. Công ty cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 200 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Ban Tổng giám đốc Vinatex lý giải trong quý, nhờ tận dụng được các lợi thế của thị trường từ cuối năm trước, các đơn vị sợi trong tập đoàn đã có được đơn hàng với giá bán tốt. Đồng thời, dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị đã đưa ra những chính sách như dự trữ được lượng bông lớn giá thành rẻ, từ đó thu được kết quả tích cực. Ngoài ra, đầu năm, các đơn vị may trong tập đoàn cũng mang lại những kết quả rất tích cực khi dịch bệnh được kiểm soát, các đơn vị may đã ổn định lao động, ổn định sản xuất với đơn hàng gia tăng.

Tại báo cáo thường niên 2021, HĐQT nhận định hầu hết các quốc gia đều mở cửa trở lại bất chấp dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn (trừ Trung Quốc) giúp chuỗi sản xuất và thương mại dệt may gần như trở lại trạng thái bình thường trước dịch với các đơn hàng sản xuất dài hạn hơn. Dệt may Việt Nam tiếp tục có cơ hội mở rộng thị trường với các FTA trong đó RCEP bắt đầu có hiệu lực từ 1/1. Ngành dệt may Trung Quốc đang hướng đến sản xuất bền vững, phát triển chiều sâu hơn là mở rộng sản xuất. Vì vậy, nước này sẽ dịch chuyển sản xuất hoặc tăng cường nhập khẩu nguồn nguyên liệu thô như sợi và giảm sản xuất các mặt hàng dệt may ít giá trị gia tăng tạo cơ hội cho dệt may Việt Nam. Đồng thời, dệt may Việt Nam vẫn có cơ hội trở thành điểm cung ứng dệt may thay thế khi người mua dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc do xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) cũng công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu 640 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận sau thuế 76,3 tỷ đồng, tăng 9%. Công ty đã đẩy mạnh hoạt động nhận đơn hàng, sản xuất đơn hàng theo yêu cầu, đẩy mạnh bán hàng tồn kho và linh hoạt trong chính sách giá bán trong quý vừa qua.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Đặng Triệu Hòa, Phó Chủ tịch Sợi Thế Kỷ cũng có những giá tình hình hiện nay giống như Vinatex. Chính sách Zero - Covid của Trung Quốc là một lợi thế lớn cho Việt Nam. Một số khách hàng quốc tế sẽ tìm đến Việt Nam hoặc các thị trường ở Đông Nam Á khác để tìm nguồn cung thay thế vì họ không biết chắc tình hình phong tỏa ở Trung Quốc sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới.

Các công ty trong ngành còn lại là May 10 (UPCoM: M10), Dệt may Hà Nội (UPCoM: HSM), Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) và May mặc Bình Dương (UPCoM: BDG) đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, có thể tính bằng lần với các mức lần lượt là 21,2%, 196% , 246% và 207,8%.

Trong các công ty được thống kê, duy chỉ có May Sông Hồng (HoSE: MSH) có mức lợi nhuận giảm khoảng 11% còn 82 tỷ đồng. Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch May Sông Hồng cho biết chi phí tăng cao của nhiều nguyên liệu đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh những tháng đầu năm

Doanh thu doanh nghiệp dệt may sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm

5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và sợi lần lượt tăng 24% và 11% đạt 14 tỷ USD và 2,4 tỷ USD, nhưng đang có nhiều yếu tố đe dọa tới khả năng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022.

Theo báo cáo cập nhật ngành dệt may của SSI Research, hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước đều có đơn đặt hàng sản xuất đến tháng 11/2022 do sự chuyển dịch đơn đặt hàng hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam bất chấp áp lực lạm phát có thể cản trở nhu cầu may mặc ở các nước phát triển trong trung hạn.

Dù vậy, 5 tháng qua, do giá sợi nhập khẩu bình quân tăng 10% so với cùng kỳ do giá bông và dầu tăng lên, cùng với chi phí logistic neo ở mức cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Cụ thể, ttheo dữ liệu Sunsirs, giá sợi polyester và sợi bông ở Trung Quốc đều tăng từ 10% đến 18%, điều này dẫn đến chi phí vải tăng lên và ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước - đặc biệt là những doanh nghiệp có phần lớn đơn hàng FOB (free on board - chủ động từ nguyên liệu cho đến thành phẩm) như May Sông Hồng (HoSE:MSH) và Dệt may Thành Công ( HoSE:TCM ).

Dự đoán doanh thu và biên lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng xấu nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023, theo SSI Research.

Ước tính tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Lý do là bởi khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng từ 6 tháng xuống 3 tháng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý IV) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát.

Báo cáo nhận định toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc chi phí sợi, vải, logistic và nhân công tiếp tục neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp.

Mức tăng trưởng thấp trong nửa cuối năm 2022 cũng được Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đưa ra dự báo. Doanh nghiệp này cho rằng, cầu dệt may đang có xu hướng giảm do lạm phát tăng, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu sau dịch đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp do cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Áp lực lạm phát đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng và chi tiêu cho mặt hàng may mặc giảm. Theo khảo sát đã có tới 40% người dân Mỹ cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng quần áo, chính sách Zero Covid tại Trung Quốc kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng.

Đại diện Vinatex cũng xác nhận, thách thức đối với ngành dệt may chính là nguyên liệu, nhiên liệu, lao động, vận tải đều tăng giá. Do hiện tượng “Mua quá mức” trong quý 4/2021 và quý 1/2022 gây ra áp lực dư thừa dẫn tới cần cắt giảm đơn hàng trong quý 3, 4/2022.

Tình hình thị trường sợi, vải và may mặc trong quý 3 sẽ có nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp cần tính đến các kịch bản sản xuất, tồn kho khác nhau.

Năm 2021, trong nhiều khó khăn của đại dịch làm gián đoạn sản xuất nhưng ngành dệt may vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD. Ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu 42 - 43,5 tỷ USD trong năm 2022 (ở kịch bản cao) và kịch bản trung bình là 40 - 41 tỷ USD.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Xuất khẩu “bùng nổ”, nhiều doanh nghiệp dệt may kín đơn hàng

Sau hai năm dồn nén bởi đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc tăng bật trở lại, giúp các doanh nghiệp xuất ...

Lạm phát tăng cao, triển vọng nào cho ngành dệt may?

Tại “Talkshow chọn danh mục - kỳ 8: Dấu hỏi lạm phát” do Báo Đầu Tư tổ chức, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT ...

Bức tranh lạc quan của xuất khẩu dệt may

Sẽ có 3 kịch bản tăng trưởng cho ngành dệt may từ nay tới cuối năm 2022, nhưng dù tăng trưởng theo kịch bản nào ...

Hoàng Đức

Tin cũ hơn
Xem thêm