Tăng trưởng mạnh 10 năm liền, Hải Phòng sau sáp nhập có thêm lực để trở thành cực tăng trưởng mới
Hải Phòng sau khi sáp nhập với Hải Dương sẽ hình thành nên đô thị đặc biệt mới, trở thành một cực tăng trưởng mới, xứng tầm quốc gia và khu vực.
Thành phố Cảng bứt tốc: Kinh tế tăng trưởng hai chữ số trong 10 năm liên tiếp
Hải Phòng - một thành phố đã vươn mình mạnh mẽ thành trung tâm kinh tế năng động bậc nhất phía Bắc. Theo số liệu mới nhất, năm 2024, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 11,01%, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp duy trì mức tăng trưởng hai con số – một thành tích chưa địa phương nào khác trong cả nước đạt được.

Tổng quy mô kinh tế năm 2024 đạt trên 18,3 tỷ USD, đưa Hải Phòng lên vị trí thứ 5 cả nước. Thành phố thu ngân sách hơn 118.200 tỷ đồng, đứng thứ 3 toàn quốc. Trong đó, thu nội địa ước đạt 48.255 tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu 60.000 tỷ đồng – con số khẳng định vai trò đầu mối logistics hàng đầu với hệ thống cảng biển phát triển.
Hải Phòng cũng đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) trong năm 2024. Đây là minh chứng cho quyết tâm của thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả điều hành và phục vụ công dân.
Trong quý I/2025, GRDP của thành phố tiếp tục tăng 11,07%, cao gần gấp rưỡi tốc độ trung bình cả nước. Thành phố đặt mục tiêu năm 2025 sẽ đạt tăng trưởng GRDP 12,5%, xuất khẩu 37 tỷ USD và thu ngân sách hơn 118.000 tỷ đồng.
Bức tranh đầu tư rực rỡ và vai trò đầu tàu vùng duyên hải
Sự năng động của Hải Phòng còn được thể hiện ở khả năng huy động vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 9,4%, trong đó khu vực ngoài nhà nước tăng trưởng ấn tượng 20,3%.
Đặc biệt, vốn FDI đổ vào thành phố trong năm 2024 đạt 4,9 tỷ USD – tăng 235% so với kế hoạch – đưa Hải Phòng trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Các dự án mới chủ yếu đến từ các tập đoàn lớn, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, logistics và sản xuất thông minh.
Với lợi thế cảng biển nước sâu và hệ thống hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ, Hải Phòng đã trở thành cửa ngõ quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế. Dự kiến đến năm 2025, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng đạt 212 triệu tấn.
Sáp nhập Hải Phòng – Hải Dương: Thiết kế lại không gian phát triển đô thị
Theo phương án trình Trung ương, sáp nhập Hải Phòng với phần lớn địa bàn tỉnh Hải Dương sẽ hình thành một đô thị loại đặc biệt mới, với quy mô hành chính mở rộng lên 114 đơn vị cấp xã (46 phường, 66 xã và 2 đặc khu – Bạch Long Vĩ và Cát Hải).
Phần địa giới hiện hữu của TP.Hải Phòng sau sáp nhập sẽ còn 50 đơn vị hành chính, trong đó 7 quận nội thành lớn như Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An… sẽ được tái cấu trúc lại, mỗi quận chỉ còn 2 phường để tinh gọn quản lý. Các huyện ngoại thành cũng được tổ chức lại theo mô hình hiện đại, giảm số lượng xã, đẩy mạnh đô thị hóa.
Trung tâm chính trị – hành chính mới sẽ đặt tại TP.Thủy Nguyên, nơi đang được đầu tư mạnh mẽ để trở thành đầu não hành chính, hành lang phát triển công nghiệp – đô thị phía Bắc thành phố.
Quá trình sáp nhập được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả quản trị, giảm trùng lặp về chức năng, đồng thời thúc đẩy tính kết nối vùng. Hạ tầng hành chính, kinh tế, logistics và dân sinh sẽ được tổ chức lại theo định hướng đô thị đa trung tâm, trong đó Hải Phòng – Hải Dương đóng vai trò là cực tăng trưởng mới cho toàn vùng duyên hải Bắc Bộ.