Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo tăng lên 7,7% trong năm 2022

Cập nhật: 11:00 | 21/09/2022 Theo dõi KTCK trên

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho quý III/2022 lên 13,1% và nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022 lên 7,7% so với cùng kỳ.

Hà Nội: Nguồn vốn đầu tư công năm 2023 dự kiến 52.600 tỷ đồng

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB): Kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng, ấn tượng

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên 7,7% (Ảnh minh họa)
VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên 7,7% (Ảnh minh họa)

Trong báo cáo mới đây, VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho quý III/2022 lên 13,1% so với cùng kỳ (mức dự báo trước đó là 11%). Mức dự báo cao hơn cho quý III/2022 là để phản ánh chính sách kích cầu Chính phủ đã thúc đẩy sự phục hồi ấn tượng của tiêu dùng nội địa và du lịch trong những tháng gần đây.

Cụ thể, chính sách giảm thuế của Chính phủ đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu đã giúp ổn định lạm phát và củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Các chính sách trong gói kích cầu kinh tế đang được triển khai như giảm thuế VAT 2%, hỗ trợ tiền mặt cho người thuê nhà,... cũng góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7 và tháng 8 tăng trưởng cao và vượt dự báo trước đó.

Bất chấp những khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các số liệu kinh tế gần đây cho thấy đà tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong tháng 7 và tháng 8. Dữ liệu tháng 8 thậm chí còn tốt hơn so với kỳ vọng trước đó với chỉ số IIP tăng 2,9% sv tháng trước (+15,6% so với cùng kỳ) và chỉ số PMI tăng lên mức 51,7 điểm từ mức 51,2 điểm của tháng trước.

Trước đó, các chuyên gia tại VNDirect lo ngại rằng tăng trưởng (theo tháng) của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu có thể chậm lại trong quý III/2022 do nhu cầu tại các nước phát triển suy yếu trong bối cảnh lạm phát cao. Động lực cho sự tăng trưởng mạnh hơn dự kiến là do nhu cầu trong nước phục hồi vững chắc giúp gia tăng nhiều đơn đặt hàng mới.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều đơn hàng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, được thúc đẩy bởi sự bất ổn ở thời gian qua của nền kinh tế Trung Quốc do chính sách Zero- COVID cũng như tình trạng hạn hán và thiếu điện tại khu vực Tây Nam Trung Quốc.

Cũng tại báo cáo này, VNDirect cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào quý III/2022, sau đó hạ nhiệt trong quý IV/2022 (dự báo tăng trưởng GDP cho quý IV/2022 trong khoảng 5-6% so với cùng kỳ). Vì vậy, chuyên gia tại VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 lên 7,7% so với cùng kỳ, từ mức dự báo trước đó là 7,1%. VNDirect tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,9% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo tăng lên 7,7% trong năm 2022

Theo VNDirect, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rủi ro từ bên ngoài và trong nước trong những tháng tới khi Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát.

Điều này sẽ đẩy lãi suất lên cao hơn trong tương lai, kéo theo nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, thị trường việc làm thắt chặt và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và châu Âu. Nhu cầu tiêu dùng thấp hơn tại Mỹ và châu Âu sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này (chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2021) những quý tới đây.

Cùng với đó, Chính sách Zero-Covid và những bất ổn gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhiệt độ cao kỷ lục và hạn hán nghiêm trọng ở tây nam Trung Quốc đã làm tê liệt hoạt động sản xuất thủy điện và khiến nhiều nhà máy ở khu vực đó phải đóng cửa. Đây là đòn giáng mới nhất vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chứng kiến chi tiêu tiêu dùng tăng chậm và thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Bên cạnh đó, việc đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do chính sách Zero-COVID hoặc cắt điện có thể tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam do nhiều ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc như dệt may, luyện kim, hóa chất, điện tử.

Đồng USD tăng mạnh gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Để ổn định tỷ giá, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải can thiệp vào thị trường và bán ra một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, NHNN sẽ có ít nguồn lực hơn để can thiệp do dự trữ ngoại hối đã mỏng hơn trước. Trong trường hợp xấu hơn, NHNN có thể phải tính đến việc tăng lãi suất điều hành, từ đó làm tăng chi phí kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế.

Và rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu do xung đột Nga-Ukraine nguy cơ kéo dài và gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Lạm phát cao hơn dự kiến có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ có thể thắt chặt hơn. NHNN có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Thu Thủy