Tản mạn hậu Brexit

30/06/2016 09:21

Đã vài ngày sau khi kết quả trưng cầu dân ý cho thấy phe muốn rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU) đã thắng, cuộc sống thường nhật của người dân ở Anh xung quanh tôi ít nhiều có bị ảnh hưởng. Nhưng ảnh hưởng trong cuộc sống thật không giống như những gì báo chí và thị trường tài chính mô tả. Nó không hoảng loạn như thị trường tài chính, cũng không ồn ào và phóng đại như vài tình huống mô tả trên báo.


Cuối tuần đầu tiên sau Brexit, người dân xung quanh chỗ tôi ở vẫn cứ vui vẻ đi chợ, thăm bà con, đi ăn uống. Các cụ già vẫn mỉm cười với tôi trên đường đi và người thu ngân ở siêu thị vẫn nở nụ cười như ngày thường.

Tất cả như không có gì thay đổi. Quán bar gần nhà vẫn đông khách đến uống bia, xem bóng đá, và tán chuyện trong khi quán ăn Ấn Độ gần đó vẫn vắng như thường lệ.

Brexit có những tác động đến người dân một cách rất đời thường. Một người quen có quốc tịch Úc và đang sống ở Anh kể cho tôi rằng anh ta đang phải tính đến chuyện nhập quốc tịch Anh vì nghe đồn sẽ có thay đổi về chính sách nhập tịch cho những người đang là thường trú nhân. Nhưng anh ta lại chưa tiết kiệm đủ tiền để nộp hồ sơ (tuy là một người có thu nhập khá nhưng cũng như nhiều người khác ở Anh, anh ấy không có bao nhiêu tiền tiết kiệm cả).

Một người bạn châu Âu của tôi thì than phiền là anh ta có thể phải tính đến quay về nước nếu đồng bảng Anh tiếp tục mất giá. Khi đó, chênh lệch thu nhập ở Anh so với ở nước của anh ấy có nguy cơ không bù đắp được những bất lợi khi phải xa gia đình.

Nói chung, Brexit có tác động ngay lập tức đến hành vi của người dân, không phải chỉ người châu Âu. Nhưng nó không phải là những cái về tăng trưởng kinh tế, thương mại, quyền tự quyết dân tộc mà các chính trị gia và chuyên gia phân tích đang bàn trên báo chí. Cũng không phải là những bài chính luận sắc sảo về giới tinh hoa và người lao động bình dân. Đem những phân tích đó mà ghép vào cuộc sống thường nhật thì nó có cái gì đó “sai sai”.

Điều mà tôi thấy được rõ nhất sau Brexit là sự chênh lệch trong suy nghĩ và thông tin của mỗi người dân, là những điểm yếu mà những kẻ cơ hội có thể lợi dụng để lừa gạt, làm cho một số người đưa ra những lựa chọn sai lầm.

Nhiều chuyên gia phân tích ngộ nhận rằng ít nhất người dân Anh cũng có hiểu biết kha khá về Brexit (truyền thông nói ra rả cả mấy tháng trời mà) và những người trẻ có hiểu biết và bị tác động bởi Brexit sẽ thực hiện trách nhiệm đi bầu (hoặc ít ra chịu khó bầu qua bưu điện) vì chính bản thân họ. Thực tế là tôi biết có ít nhất hai trường hợp người trẻ, có hiểu biết, muốn chọn ở lại EU, nhưng... lười không đi bầu! Tính ra thì so với những bất ngờ tôi phát hiện khi chấm bài sinh viên cũng giông giống vậy. Sinh viên biết là lười không chuẩn bị kỹ thì sẽ thi rớt, nhưng có những sinh viên vẫn thi được điểm 7/100!

Có những người luôn xử lý thông tin và hành xử một cách lười biếng như vậy. Đó là cách mà những bài báo lá cải và những chính trị gia cơ hội có thể bẻ cong sự thật, đưa ra những thông tin ngắn gọn, có tính dẫn dắt sai lầm ví dụ như bảo là hãy chọn rời khỏi EU để lấy lại tiền nước Anh đang đóng góp cho EU để tài trợ cho hệ thống bệnh viện công của Anh. Chưa đầy 48 tiếng sau Brexit, những chính trị gia đó đã bảo ngay là họ không có ý nói như vậy.

Đáng tiếc là báo lá cải, viết ngắn gọn, thông tin gây sốc thì dễ được nhiều người tiếp nhận và ghi nhớ hơn là những bài phân tích đàng hoàng có chiều sâu. Một đồng nghiệp của tôi nhận định là nhiều người đi bầu chỉ đọc báo lá cải chứ không có đọc The Financial Times hay xem tin Bloomberg nên luôn có sự chênh lệch về thông tin.

Giới chuyên gia thường dựa vào những giả định của mình về mặt bằng xã hội mà đưa ra những phán đoán, đề xuất chính sách. Brexit là một thí nghiệm tự nhiên cho thấy người dân không hành động như họ tưởng.

Nhiều người đi bầu mà chả biết rõ EU là cái gì. Và có những video chia sẻ trên mạng cho thấy một bạn được gọi là sinh viên thừa nhận là bạn ấy đi bầu mà không hiểu rõ là Brexit có tác động xấu đến bạn ấy nên chọn bầu cho rời khỏi EU(!). Vài ngày trước Brexit, dự án “UK in a Changing Europe” (một dự án do Hội đồng nghiên cứu kinh tế và xã hội ESRC tài trợ) có báo cáo nghiên cứu cho thấy người dân Anh có nhiều ngộ nhận sai lầm về EU và hệ quả Brexit, và tôi tin rằng ít có nhà phân tích nào chú ý đến bản nghiên cứu đó.

Brexit là một cơ hội để tôi thấy là những gì đa số giới truyền thông phản ánh và sự thật cuộc sống vẫn có một khoảng cách xa - ngay cả ở một sự kiện trọng đại mà người ta tưởng là độ minh bạch phải thật cao. Vì vậy, những người ra quyết sách, những người thực thi chính sách, và những nhà bình luận - phân tích không nên tự tin cho rằng mình đúng, người khác là thiếu hiểu biết (nhất là với dân lao động bình dân).

Trong một môi trường mà có khoảng cách xa về hiểu biết giữa giới tinh hoa và người bình dân, nhiều thông tin không minh bạch, và sự thật dễ bị bẻ cong, thì đó là môi trường cho người cơ hội vượt lên và người tử tế bị đẩy ra rìa; kết cục là cả đất nước đó đều thua. Brexit là một minh chứng: bất kể ai đấu với ai, ai thắng, ai thua, người nào lừa người nào, kết cục thì nước Anh đã thua.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tản mạn hậu Brexit
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO