Tâm sự của một F0 ... đu đỉnh

Cập nhật: 18:28 | 10/11/2022 Theo dõi KTCK trên

“Thắng ham ăn, thua ham gỡ”, việc thua lỗ quá nặng càng khiến tôi quay cuồng cuộc chơi chứng khoán và không thoát nổi ra. Khó khăn nhiều bề, nhưng tôi tin rằng nhiều nhà đầu tư cũng giống như tôi, vẫn tin tưởng và chờ đợi khi “cơn bão” qua đi, chúng ta sẽ cùng đón ánh nắng mặt trời.

Chứng khoán không phải là một cuộc chơi

Đừng buông xuôi tài khoản cho 4 chữ "đầu tư dài hạn"

Từ việc tái cơ cấu kinh tế gia đình tôi đã trở thành một nhà đầu tư

Rực rỡ…

Như bao người khác, tôi là F0 chứng khoán chính hiệu. Tôi bắt đầu mở tài khoản và có giao dịch đầu tiên vào tháng 4/2020, thời điểm Covid-19 bủa vây mọi ngóc ngách trong cuộc sống, đẩy Việt Nam đến những ngày tháng giãn cách xã hội kéo dài.

Là dân văn phòng của một công ty nội thất nhỏ, tôi vốn đã rảnh rỗi hơn khối người khác, lại thêm chuyện “cửa đóng then cài” nhiều ngày khiến tôi gần như không có việc để làm. Loanh quanh cũng chỉ lướt Facebook, đọc một vài blog chuyện phiến, “chém gió” trên mạng cho qua ngày – cảm giác trống vắng phủ lấy cuộc sống của thanh niên độc thân như tôi.

Tôi nhớ hồi đó, trên mạng tràn ngập thông tin về việc VN-Index liên tục sụt giảm, rơi xuống vùng đáy của 3 năm, từ các Fanpage lớn nhỏ, cho đến báo chí chính thống. Khi ấy tôi không hiểu sức ảnh hưởng của sự kiện lớn đến đâu, chỉ thấy dưới lớp bình luận đó là hàng nghìn lời ca thán của cư dân mạng, nghiêm túc có, mà dí dỏm cũng có. Tôi nhớ như in những bình luận hài hước dạng như kêu gọi mọi người ra cầu Long Biên “nhặt dép” nhà đầu tư, rồi có người cơ hội tới mức nhận “cầm cố” người yêu, vợ con của những người “đen đủi” nào đó.

Khó khăn nhiều bề, nhưng tôi tin rằng nhiều nhà đầu tư cũng giống như tôi, vẫn tin tưởng và chờ đợi khi “cơn bão” qua đi, chúng ta sẽ cùng đón ánh nắng mặt trời.
Khó khăn nhiều bề, nhưng tôi tin rằng nhiều nhà đầu tư cũng giống như tôi, vẫn tin tưởng và chờ đợi khi “cơn bão” qua đi, chúng ta sẽ cùng đón ánh nắng mặt trời.

Với hiệu ứng dư luận mạnh mẽ là vậy, tôi tò mò và bắt đầu tìm hiểu về các khái niệm VN-Index, chứng khoán, nhà đầu tư trên Google. Có lẽ vì tần suất tìm kiếm của tôi khá cao – vì rảnh rỗi – nên rất nhanh sau đó tôi nhận hàng loạt cuộc gọi mời chào đầu tư chứng khoán từ các bạn môi giới.

Thấy thủ tục mở tài khoản chứng khoán nhanh gọn, lại làm online không cần gặp mặt trực tiếp, tôi chọn đại một bên, coi như lấy làm động lực tìm hiểu thêm về cái thị trường mới toanh này. “Học thầy không tày học bạn”, sau thời gian tìm tòi, tôi nhận thấy việc đọc lý thuyết trên mạng khá vô bổ. Có lẽ cái tôi cần tìm là một “tiền bối” giàu kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc thị trường và quan trọng phải là người tôi quen biết, chứ không phải ông môi giới ở đâu đâu, chỉ đưa cho tôi bộ tài liệu nặng chình chịch, hướng dẫn qua loa rồi chỉ nhanh nhảu muốn tôi xuống tiền đầu tư… cho hết nghĩa vụ.

Lùng sục trên danh bạ điện thoại, rồi danh sách bạn bè Facebook, tôi nhớ ra ông bạn hồi cấp 3 tên là Long, hiện đang làm ngân hàng và nghe đâu cũng chơi chứng "ác" lắm. “Alo Long à” – không nghĩ ngợi lâu, tôi bốc máy gọi ngay trong tâm trạng nô nức, thấp thỏm khó chờ đợi thêm. Đáp lại sự hào hứng của tôi, ông bạn cũng nhiệt thành mở luôn Laptop, “facetime” cùng tôi vài ba tiếng để chia sẻ kinh nghiệm, giải thích thấu đáo những vướng mắc của tôi.

Trong nhiều ngày ở nhà “trốn” Covid-19, tôi chưa khi nào được vui đến thế!

Dưới lời gợi ý của Long, tôi mày mò tham gia thêm các nhóm chat đầu tư chứng khoán trên mạng xã hội, chủ yếu là Zalo với lượng thành viên đông đảo, có nhóm lên đến cả nghìn người. Bước vào đó, tôi mới thấy bầu không khí chứng khoán sôi động thế nào. Mã chứng khoán đầu tiên tôi mua là DXG, hồi đó được “Tư lệnh” – trưởng room chat đầu tư của tôi quảng bá ầm ĩ, kêu gọi “lên tàu” với kỳ vọng lãi rất cao.

Giá tôi mua vào khoảng hơn 8.x00 đồng/cổ phiếu, không nhớ chính xác, nhưng rất nhanh sau đó, khoảng hơn 1 tháng DXG đã vượt lên khỏi mệnh giá, giúp khoản đầu tư của tôi lãi hơn 20%. Với nhà đầu tư non choẹt, thao tác mua – bán còn chưa vững, thì khoản lãi đó là quá lớn, nó khiến tôi “say sóng” và chính thức gia nhập cuộc chơi. Cũng từ đó tôi dành toàn bộ thời gian sẵn có, thậm chí mượn thêm vài tiếng ở công ty (lúc này đã hết giãn cách xã hội) để theo dõi biến động thị trường, “hăng hái” trao đổi trên các forum, diễn đàn, room chat. Nói không quá, cuộc sống thay đổi rất nhanh, không điều gì khiến tôi bận tâm hơn chứng khoán… và chứng khoán.

Lướt sóng…

Ngay cả trong lời nói và những câu chuyện phiếm hàng ngày, tôi cũng chỉ xoay quanh chủ đề chứng khoán, với trọng tâm là “tin đồn”. Hồi đó “tin đồn” xuất hiện dày đặc, liên tiếp là tin “đội lái” sắp sửa ra tay với mã này, hay sắp có “ông lớn” mua lại doanh nghiệp kia… với mục đích thu hút sự chú ý của nhà đầu tư ham “lướt sóng”.

“Lướt sóng” lúc bấy giờ giúp không ít nhà đầu tư có lãi lớn chỉ trong vài ba ngày, nếu họ là người đủ may mắn, và đủ bản lĩnh ngó lơ lòng tham. Nhưng cũng có người vì không kiềm chế được bản thân, ham lãi cao đã bị “úp bô” một cách đáng tiếc.

Dĩ nhiên, là nhà đầu tư ít kinh nghiệm, tôi thuộc nhóm thường xuyên bị “úp bô”. Giờ ngẫm lại cũng chẳng trách được ai, do mình hết. Có ai xúi mình cứ bất chấp đầu tư mù quáng vào doanh nghiệp mình không hề hiểu rõ, không đánh giá nổi sức mạnh nội tại của họ đâu. Chẳng qua vì hám lợi, tin vào “tin đồn”, tin vào lời kêu gọi của các “Tư lệnh” nên vấp phải “trái đắng” mà thôi.

À đó là bản thân tôi hiện giờ còn nghĩ được thế. Chứ còn sau mùa vụ “trái ngọt” từ DXG, tôi “say máu” mua - mua, bán - bán lắm. Tôi vay cả margin, với mục đích tối đa lợi nhuận “viễn tưởng” có thể mang về. Nói là “viễn tưởng”, nhưng trong môi trường thăng hoa của thị trường chứng khoán đoạn cuối 2020, tôi đều có thể chuyển hóa lợi nhuận đó sang hiện thực.

Vậy nhưng câu chuyện đã rẽ sang lối khác ở năm tiếp theo. Suốt nhiều tháng ròng của năm 2021, danh mục của tôi lên xuống đan xen, đảo chiều liên tục từ “đỏ” sang “xanh”, rồi về lại “đỏ”. “Lướt sóng” nhưng không tìm kiếm được lợi nhuận, thậm chí chấp nhận “cắt lỗ” ngay khi hết T3 vì “lỡ” thấy mã khác “ngon hơn”, số vốn của tôi bị hao mòn khá nhiều bởi phí giao dịch, lãi margin.

Đỉnh điểm là cuối 2021, ông bạn Long – người khai sáng cho tôi trong lĩnh vực này, “phím” cho tôi một tin khá “hot”, liên quan đến mã IDI. Khi quan sát, tôi thấy IDI hồi đó vừa trải qua đợt tăng giá rất mạnh, từ vùng 6.x00 đồng/cổ phiếu, lên 18.x00 đồng/cổ phiếu trong vòng có 3 tháng, tức gấp đến trên dưới 3 lần. Bán tín bán nghi, nhưng tôi vẫn quyết định mua và biến IDI thành mã có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của tôi, với niềm tin vào thông tin “mật” của ông bạn, và tin rằng cổ phiếu này sẽ “lên trong nghi ngờ”.

Không phải bàn, với mã chứng khoán “bồ kết” như vậy, tôi sử dụng margin tối đa. Không phụ lòng mong mỏi, thị giá IDI cứ lầm lũi tăng lên theo từng phiên, có lúc chinh phục ngưỡng 25.x00 đồng. Đáng nhẽ tôi phải “chốt lời” ngay thời điểm đó, nhưng sau khi tham gia một room chat chỉ kêu gọi “đổ tiền” vào duy nhất IDI, tôi nuôi khát vọng tối thiểu sẽ nhân đôi tài khoản của mình, tức phải lên vùng 4x.000 đồng/cổ phiếu tôi mới nghĩ đến bán.

Ngay lúc tôi vui sướng nhất khi nghĩ về khoản lợi nhuận trong tương lai, giá cổ phiếu IDI bỗng chốc “lao dốc” không phanh. Hơn 1 tháng sau, giá chỉ còn khoảng 10.x000 đồng. Tôi buộc vay “nóng” bạn bè, đồng nghiệp để nộp thêm tiền tránh bị công ty chứng khoán “call margin”. Tôi tiếc ngẩn người khi vừa mất vốn, vừa mất lãi mỗi ngày. Tôi còn buông lời than trách với ông bạn, người đã rủ rê mình đầu tư mã này. Cuối cùng không lâu sau, trước áp lực đòn bẩy, tôi buộc lòng “cắt lỗ”…

Thoái trào…

“Thắng ham ăn, thua ham gỡ”, việc thua lỗ quá nặng càng khiến tôi quay cuồng cuộc chơi chứng khoán và không thoát nổi ra. Tôi dồn sự quan tâm của mình sang ngành thép – thời điểm đó nhiều mã đang diễn biến giảm nhẹ sau khi cán đích các ngưỡng lịch sử. Như chủ tịch một công ty đầu ngành thép từng nói: “Ngu gì không làm thép”, tôi lúc đó nghĩ thầm “ngu gì không bắt đáy thép lúc này”.

Tuy nhiên, tôi không biết rằng ngành thép hồi sau lại diễn biến tiêu cực đến thế. Bản thân tôi hiện vẫn chưa dám “cắt lỗ” như những lần trước, bởi tôi đang không vay margin, và cũng không tìm thấy triển vọng ở bất cứ mã trong bầu không khí ngột ngạt hiện thời.

Không nói riêng ngành thép, thị trường chứng khoán đang rệu rạo, rã rời bởi những tin đồn bủa vây. Thị trường bất động sản vốn coi là tiềm năng nhất, giờ đây cũng thiếu hụt thanh khoản, tắc dòng tiền… ảnh hưởng xấu đến các ngành khác, đặc biệt là ngành thép khi các công trình bị dừng xây dựng, “đắp chiếu”.

Khó khăn nhiều bề, nhưng tôi tin rằng nhiều nhà đầu tư cũng giống như tôi, vẫn tin tưởng và chờ đợi khi “cơn bão” qua đi, chúng ta sẽ cùng đón ánh nắng mặt trời. Chúng tôi, những nhà đầu tư dù có đang “gồng lỗ” đến mỏi cả vai, nhưng chưa lúc nào ngừng hy vọng về sự phát triển trở lại của thị trường chứng khoán, khi thực tế dư địa còn rất lớn, tiềm lực còn rất dồi dào.

Có lẽ năm nay mất Tết, nhưng quan trọng là các năm sau, môi trường chứng khoán sẽ trong sạch, minh bạch hơn, tạo tiền đề thu hút dòng vốn nước ngoài, và tiếp tục phát triển lành mạnh thành kênh huy động vốn quan trọng nhất của toàn bộ doanh nghiệp nước ta. Lượng người tham gia chứng khoán của Việt Nam còn rất thấp, với khoảng 7% dân số; số doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch cũng chưa đến 2.000 doanh nghiệp, trong tổng 1,8 triệu doanh nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Phạm Đức Tùng (Khu đô thị Vĩnh Hoàng – Hà Nội)