Tạm quên năm 2023 đầy ảm đạm, Seadanang đặt mục tiêu lợi nhuận tăng hơn 1.200%

Cập nhật: 10:11 | 16/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Năm 2023, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung (Seadanang, UPCoM: SPD) lãi chỉ hơn 700 triệu đồng, khiến khoản lỗ lũy kế vẫn còn gần 7,5 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp thủy sản này vừa chốt mục tiêu lợi nhuận 2024 tăng hơn 1.200%.

Nghị quyết ĐHCĐ thường niên của SPD vào ngày 15/4 chốt mục tiêu doanh thu trong năm ở mức 819 tỷ đồng, tăng 7,45% so với năm 2023; giá trị xuất khẩu đạt 32,09 triệu USD, tăng 5,35%. Đặc biệt, Công ty lạc quan đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 8,8 tỷ đồng, tăng đến 1.227,34% so với năm 2023.

SPD vừa khép lại năm tài chính 2023 với những kết quả ảm đạm, các chỉ tiêu đều không đạt và giảm sâu so với kết quả ghi nhận trong năm 2022. Cụ thể, năm 2023, doanh thu của SPD chỉ đạt 753,3 tỷ đồng, giảm 150,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 16,69% so với năm 2022. Giá vốn và các chi phí neo cao kéo lợi nhuận thuần vỏn vẹn 735,6 triệu đồng. Kết năm, SPD ghi nhận 717,9 triệu đồng tiền lãi, giảm đến 90,4% so với năm 2022.

Dù mục tiêu doanh thu giảm trong năm 2024, SPD lạc quan hướng đến mức lợi nhuận tăng trưởng hơn 1.200% so với năm 2023
Seadanang lạc quan hướng đến mức lợi nhuận tăng trưởng hơn 1.200% so với năm 2023

So với kế hoạch đề ra trong năm 2023, SPD chỉ đạt 79% mục tiêu doanh thu và 8% mục tiêu lợi nhuận trước thuế. Quy mô tài sản của SPD cũng giảm từ 469,9 tỷ đồng đầu năm 2023 xuống 391,9 tỷ đồng ở thời điểm 31/12/2023. Trong khi đó, nợ phải trả tuy giảm nhưng vẫn gấp đôi vốn chủ sở hữu, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Tin kém vui tiếp tục ấp đến khi báo cáo tài chính 2023 nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ, khiến cổ phiếu SPD tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo. Trong bối cảnh như vậy, để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 8,8 tỷ đồng, Công ty sẽ phải ‘cật lực’ trong sản xuất kinh doanh trong năm 2024.

Trong nhiều giải pháp mà HĐQT SPD nêu ra trong năm 2024, có việc duy trì, tập trung xuất khẩu vào thị trường chính là Nhật Bản, đảm bảo hợp đồng đầu ra cho sản xuất liên tục. Ngoài ra, Công ty sẽ tập trung thu hồi công nợ quá hạn, nợ khó đòi đang tồn đọng. Đây cũng là vấn đề nhức nhối của SPD trong những năm qua, khi nợ xấu từng ngày ăn mòn vốn chủ.

Gánh nặng nợ xấu

Đến hết năm 2023, tổng giá trị các khoản phải thu quá hạn trên 3 năm của SPD chiếm gần 96 tỷ đồng, gấp 5 lần so với thời điểm 2015 và đang phình to từng ngày.

Theo báo cáo tài chính 2023 của SPD, đến 31/12/2023, Công ty hạch toán khoản nợ xấu lớn nhất là 31,8 tỷ đồng của Công ty CP Inox Hòa Bình. Các ‘con nợ’ tiếp theo gồm Công ty CP Đầu tư 3GR (22,8 tỷ đồng), của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (UPCoM: FTM, 19,1 tỷ đồng); Công ty CP Xuất nhập khẩu Thép Phú Lâm (10 tỷ đồng). Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng đang nợ SPD số tiền từ 2 đến 4 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong danh sách vừa nêu, một số con nợ của SPD đã xuất hiện từ gần chục năm trước. Trong đó, có trường hợp Công ty Inox Hòa Bình, với khoản nợ được hạch toán từ năm 2016 với số nợ 32,8 tỷ đồng. Khi đó, SPD đánh giá có thể thu hồi 9,8 tỷ đồng nhưng đến năm 2020 chỉ giảm đi 1 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hết năm 2023.

Công ty Inox Đại Phát cũng có vấn đề tương tự với khoản tiền nợ 2,2 tỷ đồng, đến nay vẫn còn 2,1 tỷ đồng chưa thu được, dù có thời điểm SPD kỳ vọng có thể đòi 1,6 tỷ đồng.

Seadanang đang 'còng lưng' gánh loạt nợ xấu, trong đó có những đơn vị nợ gần chục năm qua
Seadanang đang 'còng lưng' gánh loạt nợ xấu, trong đó có những đơn vị nợ gần chục năm qua

Một trường hợp khác là khoản nợ xấu 10 tỷ đồng của Công ty Xuất nhập khẩu Thép Phú Lâm được SPD chỉ rõ từ năm 2016, nhưng dưới cái tên Sản xuất Phú Lâm (đổi tên từ năm 2021). Hoặc khoản nợ 3,8 tỷ đồng của Cơ khí Đóng tàu Hà Đức (trước đây mang tên Hà Đức) đã giảm khoảng 1 tỷ đồng so với 8 năm trước, nhưng vẫn đang là thách thức lớn cho nhiệm vụ thu hồi của SPD.

Đầu năm 2020, SPD đã lần lượt khởi kiện FTM tại TAND TP Thái Bình và khởi kiện Đầu tư 3GR tại TAND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đến giữa tháng 6/2021, Tòa án buộc Đầu tư 3GR có nghĩa vụ thanh toán số tiền 24 tỷ đồng nợ gốc và 10,8 tỷ đồng nợ lãi tính từ năm 2017, tổng cộng 34,8 tỷ đồng.

Trường hợp Đầu tư 3GR không thanh toán hoặc không thanh toán đầy đủ số tiền nợ trên, công ty thủy sản có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản đảm bảo là 2 triệu cp FTM để thu hồi nợ. Số cổ phần là tài sản của bà Phạm Thị Hà, theo hợp đồng cầm cố từ năm 2017.

Đến tháng 8/2023, Cục thi hành án tỉnh Thái Bình đã tiến hành xử lý tài sản với giá trị thu hồi là 1,1 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi nợ, SPD còn nhận lại 949 triệu đồng. Còn FTM đến nay chỉ mới thanh toán được 300 triệu đồng.

Cổ phiếu thủy sản "trần cứng" trong bối cảnh rộng cửa xuất khẩu ra nước ngoài

Trong phiên giao dịch sáng nay, nhóm cổ phiếu thủy sản ghi nhận đà tăng tương đối tốt. Đà tăng của nhóm cổ phiếu diễn ...

Khó khăn tứ bề, XNK Thủy sản Miền Trung (SPD) lại nhận thêm tin "kém vui"

Giữa lúc gặp vô vàn khó khăn​ trong hoạt động kinh doanh, mới đây cổ phiếu SPD của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy ...

Cao Thái