Kiến thức

Tái khởi động đàm phán với Mỹ để mua tiêm kích tàng hình F-35

Chiến Thắng 06/07/2025 18:01

Người đứng đầu đất nước này xác nhận nối lại đàm phán với Mỹ về F-35, dòng tiêm kích tàng hình đa năng, kỳ vọng xóa bỏ vết gợn giữa 2 nước trước đó.

Mở lại cánh cửa F-35 với Mỹ

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức cuối tháng 6/2025 tại The Hague (Hà Lan), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất ngờ tuyên bố rằng nước này đã chính thức khởi động lại các cuộc đàm phán kỹ thuật với Mỹ liên quan đến việc tái gia nhập chương trình máy bay chiến đấu F-35.

tiêm kích tàng hình f 35
tiêm kích tàng hình f 35

Tổng thống Erdogan nhấn mạnh cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua dòng tiêm kích tàng hình đa năng tiên tiến này.

Đây là tín hiệu cho thấy Ankara đang muốn khôi phục quan hệ quốc phòng chiến lược với Washington – đặc biệt trong bối cảnh cục diện an ninh tại châu Âu và Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp riêng với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề thượng đỉnh NATO, ông Erdogan cho biết: “Chúng tôi không bàn đến phòng không S-400. Vấn đề đó đã được khép lại. Giờ là lúc thảo luận về tương lai.” Tuy không đưa ra cam kết cụ thể, ông Erdogan thể hiện rõ thiện chí và kỳ vọng rằng Washington sẽ xem xét lại quyết định loại Ankara khỏi chương trình F-35 vào năm 2019 – sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Trước khi bị loại, Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD và là một trong những đối tác sản xuất linh kiện quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của F-35. Turkish Aerospace Industries từng đảm nhiệm các bộ phận như thân máy bay và bánh đáp, đóng vai trò then chốt trong kế hoạch hiện đại hóa không quân quốc gia, với mục tiêu sở hữu 100 chiếc F-35A.

Sau sự kiện tiếp nhận S-400, Mỹ viện dẫn lý do an ninh rằng hệ thống radar 91N6E của S-400 có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm từ F-35, từ đó chia sẻ với Nga và làm lộ thiết kế tàng hình của loại máy bay này. Điều đó không chỉ khiến Ankara bị đình chỉ mua F-35 mà còn bị trừng phạt theo Đạo luật CAATSA, khiến quan hệ hai nước rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài suốt 6 năm.

Tuy nhiên, bối cảnh chiến lược đang thay đổi. Cuộc xung đột tại Ukraine, sự trỗi dậy của Iran và thách thức an ninh tại Trung Đông đang buộc NATO cần có một Thổ Nhĩ Kỳ chủ động và mạnh mẽ hơn. Nếu tiến trình tái đàm phán thành công, việc Ankara quay lại với dòng vũ khí F-35 sẽ góp phần định hình lại cấu trúc sức mạnh không quân khu vực, đồng thời tăng cường thế trận phòng thủ phía nam NATO.

Bài toán F-35: Cơ hội và thách thức

Chương trình F-35 từng là biểu tượng cho mối quan hệ quốc phòng thân thiết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Ankara gia nhập dự án từ năm 2002, không chỉ là khách hàng mà còn tham gia sâu vào khâu thiết kế, sản xuất và huấn luyện phi công. Trước năm 2019, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã bay thử F-35 tại Mỹ và tiếp nhận những chiếc đầu tiên.

trump f35 thổ nhĩ kỳ
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 25/6 tại Hà Lan

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi chóng vánh sau thương vụ S-400 với Nga. Theo các chuyên gia quân sự, radar tần số cao của S-400 có khả năng “soi” được đặc tính tàng hình của F-35 – điều khiến Washington không thể chấp nhận. Lý do kỹ thuật này từng được coi là “không thể thương lượng”.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết giữ lại hệ thống S-400 khiến nước này không chỉ mất quyền tiếp cận F-35 mà còn thiệt hại nặng nề về kinh tế và công nghiệp quốc phòng. Chuỗi sản xuất linh kiện F-35 tại Thổ Nhĩ Kỳ bị cắt đứt, kế hoạch thay thế phi đội F-16 cũ kỹ lâm vào thế bế tắc. Trong suốt 5 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tìm cách xoay xở bằng các phương án thay thế như phát triển tiêm kích nội địa TF-X hoặc mua thêm F-16V từ Mỹ.

Dù vậy, tính đến nay, Ankara vẫn chưa tìm được mẫu chiến đấu cơ nào có thể sánh ngang F-35 về năng lực tổng thể. Do đó, việc tái khởi động đàm phán với Mỹ được xem là bước đi chiến lược và thực dụng – nhằm khôi phục ưu thế không quân của Thổ Nhĩ Kỳ trước những mối đe dọa ngày càng đa chiều.

Trước mắt, cả hai bên sẽ tiếp tục thảo luận ở cấp kỹ thuật để làm rõ các khía cạnh an ninh và công nghệ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ được tái gia nhập hay không còn phụ thuộc vào đánh giá của Lầu Năm Góc và Quốc hội Mỹ, trong đó những lo ngại về chia sẻ công nghệ và ảnh hưởng tới đồng minh vẫn là rào cản lớn. Nhưng rõ ràng, sau cuộc gặp Trump – Erdogan, mối quan hệ Mỹ – Thổ đang có dấu hiệu “rã băng”, ít nhất là trong hồ sơ F-35.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Tái khởi động đàm phán với Mỹ để mua tiêm kích tàng hình F-35
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO