Tài chính khó khăn, EVN đề xuất hai 'ông lớn' ngành than cho giãn nợ

Cập nhật: 10:44 | 18/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất TKV, Tổng công ty Đông Bắc xem xét giãn thời hạn thanh toán tiền than của tập đoàn và các tổng công ty phát điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc, là 2 đơn vị chính cấp than cho sản xuất điện để đề nghị giãn thời gian thanh toán tiền than.

Đề nghị này của EVN dựa trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ về việc EVN khẩn trương thực hiện để cải thiện tình hình tài chính, gồm đàm phán với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, hộ bán điện theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ.

Văn bản của EVN nêu rõ, từ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, hoạt động sản xuất điện bị lỗ.

Điều này đã làm thiếu hụt dòng tiền thanh toán cho các nhà cung cấp nhiên liệu, đơn vị bán điện.

Vì vậy, EVN mong muốn các đơn vị trên cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023, trên cơ sở có giải pháp tăng cường khai thác và cung cấp than sản xuất trong nước cho các đơn vị phát điện.

Đặc biệt, EVN đề xuất TKV, Tổng công ty Đông Bắc xem xét giãn thời hạn thanh toán tiền than của tập đoàn và các tổng công ty phát điện.

EVN xin giãn nợ tiền mua than để duy trì sản xuất điện.
EVN xin giãn nợ tiền mua than để duy trì sản xuất điện.

Cùng với việc xin giãn tiến độ thanh toán tiền than, EVN cũng có đề nghị tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 để đề xuất vay than cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng.

Nêu ra lý do của việc này, EVN cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, thời tiết khô hạn diễn ra trên toàn quốc gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Trong khi đó, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.

Do đó, trước tình hình cấp bách trên, để đảm bảo cấp đủ điện cho đất nước, EVN đề nghị TKV và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 xem xét hỗ trợ than cho các nhà máy nhiệt điện.

EVN mong muốn được vay 52.000 tấn than mà Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 sắp nhận về cảng, để sử dụng nguồn nhiên liệu này cho phát điện.

Trong đề nghị này, EVN cũng nêu rõ là sẽ sắp xếp hoàn trả khối lượng than trên cho Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 vào cuối tháng 5/2023.

Mới đây, EVN đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Cụ thể, từ ngày 4/5, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT); mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3%, EVN ước thu về 8.000 tỷ đồng và chỉ đủ bù phần nào khoản lỗ 31.300 tỷ đồng EVN đang gánh.

Hiện nay, theo EVN, trước diễn biến nắng nóng kéo dài, các hồ thủy điện hiện thiếu nước, còn nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng mạnh, xấp xỉ 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

Về chi phí, doanh thu và kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN, Bộ Công Thương cho biết tổng chi phí khâu phát điện là 412.243,53 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đồng/kWh. So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855,58 tỷ đồng.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng.

Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,80 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỉ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2020 với số tiền khoảng 4.566,94 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỉ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2021 khoảng 3.702,257 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỉ giá theo hợp đồng mua bán điện phát sinh năm 2022 khoảng 3.440,83 tỷ đồng.

PVN và EVN ký hết hợp đồng mua bán điện Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1

Ngày 4/5/2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức ký kết hợp đồng mua ...

EVN dự kiến thoái vốn tại EVNGENCO3 (PGV) vào năm 2023

Trước đó, PGV đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình CTCP sau khi thực hiện IPO và đăng ký giao dịch trên sàn ...

Bộ Công Thương đề xuất dự án điện gió, điện mặt trời đàm phán với EVN để bán điện

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện mặt trời, điện gió ...

Phúc Lâm