Sức mua giảm mạnh, Sao Ta (FMC) mất đà tăng trưởng trong quý IV/2022

Cập nhật: 17:26 | 16/01/2023 Theo dõi KTCK trên

Lạm phát và suy thoái kinh tế đã khiến sức tiêu thụ giảm mạnh - nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) "đi lùi" trong quý IV/2022 sau ba quý đầu năm tăng trưởng liên tiếp.

Nam Tân Uyên (NTC): Lợi nhuận năm 2022 'giật lùi', lỡ hẹn chuyển sàn HOSE

Sức tiêu thụ giảm mạnh do suy thoái kinh tế

Sau ba quý đầu năm tăng trưởng liên tục, những biến động của kinh tế vào nửa cuối năm 2022 đã ảnh hưởng mạnh tới kết quả kinh doanh quý IV/2022 của FMC. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp thuỷ sản này đều giảm tốc; cụ thể lần lượt giảm 17% và 23%; còn 1.201 tỷ đồng và 83 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 23%, đạt 154,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận giảm từ 13,9% về 12,7%.

Theo giải trình của FMC, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý IV giảm là do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế nên sức tiêu thụ của công ty cũng bị trầm lắng, dẫn đến doanh số bán giảm.

Đáng chú ý, trong quý, doanh thu tài chính nhảy vọt gấp đôi lên 35,5 tỷ đồng - chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng mạnh lên, tức tăng 5 lần, đạt 38 tỷ đồng. Về chi phí vận hành (chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp), FMC đã tiết giảm được 36 tỷ đồng, còn 68 tỷ đồng.

Dù quý IV kinh doanh “giật lùi” song nhờ 3 quý đầu năm tăng trưởng tốt nên các chỉ tiêu năm 2022 của FMC vẫn tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần tăng 9%, đạt 5.707 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 13%, đạt 328 tỷ đồng. Biên lợi nhuận cải thiện từ 10,1% lên 11%.

Năm 2022, FMC đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 5.290 tỷ đồng và 320 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã vượt gần 8% chỉ tiêu doanh thu và vượt 3% mục tiêu lợi nhuận năm.

Sao Ta (FMC)
Quý IV/2022, tình hình kinh doanh của FMC suy giảm sau ba quý tăng trưởng liên tiếp. Ảnh minh hoạ

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của FMC tăng 11% so với đầu năm, đạt 2.988 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, nổi bật là sự tăng vọt của chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng 275,5 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 445,5 tỷ đồng. Phần tăng chủ yếu đến từ dự án nhà máy thuỷ sản Sao Ta chiếm 85% tổng chi phí, đạt hơn 377 tỷ đồng - gấp gần 5 lần so với đầu năm.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Agribank, nhà máy Sao Ta dự kiến sẽ vận hàng vào năm 2023. “Khi cả 2 nhà máy Tam An (vận hành 1 phần từ quý II/2022) và Sao Ta cùng đi vào vận hành, công suất của FMC sẽ tăng thêm 20.000 gtaasn/năm, tăng khoảng 70% so với trước đó. Năm 2023, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại có thể giúp nhu cầu xuất khẩu tôm của FMC tăng trưởng, bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ và EU”, công ty chứng khoán nêu quan điểm.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 là 874 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng 24%, đạt 515,5 tỷ đồng,; là các khoản vay USD tại Ngân hàng TMCP Ngọai thương Việt Nam (453,6 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (61,7 tỷ đồng).

Ngành thủy sản sẽ đối diện nhiều khó khăn

Dự báo về triển vọng ngành thuỷ sản trong năm 2023, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết ngành thủy sản đã qua thời kỳ đỉnh cao, xuất khẩu thuỷ sản thời gian tới không mấy tích cực do lạm phát gây tác động tiêu cực đến các thị trường nhập khẩu, nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 đình trệ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp thủy sản ghi nhận mức đỉnh lợi nhuận trong năm 2022 - là dấu hiệu cho thấy ngành đang bước vào chu kỳ đi xuống.

KBSV cũng nhận thấy giá tôm nguyên liệu và giá cá tra dù đã giảm nhưng vẫn đang ở mức cao. Mặc dù dự kiến giá nguyên liệu sẽ có xu hưởng giảm trong năm 2023, nhưng sẽ vẫn ở mức cao do chi phí nuôi cao trong khi tốc độ giá bán giảm nhanh hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.

Đối với nhóm thủy sản, dù kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc gia tăng, tuy nhiên hiện hàng tồn kho các nhà máy đang tăng, sản lượng thu hoạch cao và giá cá nguyên liệu đang trong xu hướng giảm do đó việc Trung Quốc mở cửa cũng khó tạo ra đột biến cho cá tra Việt Nam.

Dù vậy, KBSV vẫn nhìn thấy một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ cho ngành thuỷ sản trong năm 2023 gồm: Trung Quốc - thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, mở cửa nền kinh tế sau khi từ bỏ "Zero-COVID" giúp nhu cầu tại các nhà hàng, khách sạn tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, cá tra Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với cá rô phi tại nước này nên KBSV cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa chỉ giảm bớt áp lực tăng trưởng chứ không tạo sự bùng nổ tại thị trường này.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá việc Trung Quốc mở cửa sẽ bù đắp cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ và EU; nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp thuỷ sản trong nửa đầu năm 2023.

Đối với ngành thủy sản nói chung, SSI dự báo giá bán bình quân sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ trong năm 2023 và chi phí thức ăn thủy sản cũng sẽ giảm theo. Với lượng đơn đặt hàng tăng chậm, nguồn cung sẽ không thiếu hụt đối với cả tôm và cá nguyên liệu, qua đó, dự báo giá nguyên liệu tôm và cá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu cho đến hết nửa đầu năm 2023.

“Tỷ suất lợi nhuận gộp của nhóm công ty thuỷ sản sẽ giảm vào năm 2023. Với lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao trong cả năm, chi phí tài chính tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng. Nhìn chung, chúng tôi dự báo các công ty sẽ công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2023”, SSI khuyến nghị.

Chia sẻ tại Lễ mừng xuất khẩu thuỷ sản cán mốc 10 tỷ USD mới đây, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC cho biết, năm 2022 đi qua, để lại cho ngành thuỷ sản bao vui buồn lẫn lộn. Vui vì đầu năm với những con số tăng trưởng bất ngờ đầy phấn chấn, tự hào. Buồn vì cuối năm khi sản xuất, tiêu thụ giảm quá lớn, cũng có phần bất ngờ và đáng lo hơn là hệ quả chưa dừng lại.

Chia sẻ về kế hoạch của FMC, ông Hồ Quốc Lực cho hay đơn vị vẫn có đơn hàng để chế biến hàng ngày, tuy không nhiều nhưng so với hoàn cảnh chung vẫn là điểm sáng. Năm 2023, ao nuôi tôm sẽ nhiều hơn, nhà máy mới khởi động từ đầu năm, tập dợt đội ngũ cho phương án tăng tốc khi thời cơ đến, kho hàng được xem xét để giảm thiểu tối đa chi phí.

Nguyễn Lê