“Sức khỏe” Mộc Châu Milk ra sao trước khi lên UPCOM?

Cập nhật: 17:24 | 14/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Kể từ khi về dưới sự quản lý của Vinamilk, tình hình kinh doanh của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) đã có chuyển biến tích cực.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) trên sàn UPCOM với mã chứng khoán là MCM.

Theo đó, HNX quyết định cho 66,8 triệu cổ phiếu Mộc Châu Milk đăng ký giao dịch trên UPCOM. Dự kiến ngày giao dịch đầu tiên là ngày 18/12/2020, giá tham chiếu 30.000 đồng/cổ phiếu.

Mộc Châu Milk có trụ sở chính tại cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La và hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến sữa nước, sữa chua ăn, sữa chua uống, bánh sữa, phô mai, váng sữa, bơ và các sản phẩm từ sữa khác.

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng của cao nguyên Mộc Châu tỉnh Sơn La, Mộc Châu Milk hiện sở hữu đàn bò sữa hơn 2.000 con tại trang trại và 24.500 con thông qua việc liên kết chặt chẽ với hơn 500 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa và có ba trung tâm giống bò sữa lớn.

1952-myc-chau-1
“Sức khỏe” Mộc Châu Milk ra sao trước khi lên UPCOM?

Quy mô đàn bò của Mộc Châu Milk tăng trưởng trung bình 12 - 15 %/năm và năng suất bình quân đạt trên 25 lít sữa/con/ngày.

Hiện danh sách cổ đông lớn của Mộc Châu Milk gồm Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico - Mã: VLC), nắm giữ 51% vốn điều lệ. Tuy nhiên, GTNFoods (Mã: GTN) lại sở hữu 73,72% cổ phần tại Vilico, do đó GTNFoods cũng sở hữu gián tiếp Mộc Châu Milk.

Tại thời điểm 30/9, Vinamilk đang sở hữu 75% cổ phiếu GTN và hiện tại nắm quyền quản lý cả GTNFoods và Mộc Châu Milk. Tỷ lệ sở hữu gián tiếp của Vinamilk tại Mộc Châu Milk hiện tại là 28,61%.

1654-myc-chau
Nguồn:BCTC của Mộc Châu Milk.

Những năm trở lại đây, doanh thu thuần của Mộc Châu Milk luôn duy trì trên ngưỡng 2.100 tỷ đồng, đỉnh điểm có năm lên trên 2.500 tỷ đồng (năm 2019). Biên lợi nhuận gộp duy trì trong khoảng 19%.

Mặc dù tăng trưởng doanh thu, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của Mộc Châu Milk lại cho thấy sự sụt giảm. Năm 2019, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 167 tỷ đồng, sụt giảm lần lượt 8% và 23% so với hai năm trước đó.

Quý III/2020 đánh dấu tròn 9 tháng Mộc Châu Milk về "một nhà" với Vinamilk, theo đó hiệu quả kinh doanh của công ty chứng kiến những thay đổi rõ rệt. Với doanh thu thuần tăng 14% lên 775 tỷ đồng.

Nhờ giá vốn giảm, lợi nhuận gộp cao gấp đôi cùng kỳ đạt hơn 268 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp vẫn liên tục tăng lên đến 34,6%, so với mức 18-19% các năm trước đây.

Sau khi chi phối Mộc Châu Milk và cử người vào ban lãnh đạo, Vinamilk có kế hoạch tăng biên lợi nhuận cho doanh nghiệp ngành sữa phía Bắc nhờ chi phí giá vốn thấp do hưởng lợi từ việc tiêu thụ sản lượng lớn. Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk trên 45%.

Cùng với việc mở rộng kinh doanh, chi phí bán hàng tăng 97% lên 163 tỷ đồng và chi phí quản lý cũng tăng gần 14%. Kết quả, Mộc Châu Milk báo lãi hơn 102 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình, lợi nhuận tăng trưởng là nhờ công tác quản trị chi phí hiệu quả, các chính sách hỗ trợ nhà phân phối, hỗ trợ khách hàng với giá bán hợp lý do đó người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm Mộc Châu Milk cũng tăng cao.

Thực tế doanh nghiệp đã mạnh tay chi cho các chương trình hỗ trợ và quảng cáo với gần 370 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng mạnh so với mức chi 152 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng gần 10% lên 2.142 tỷ đồng; trong đó doanh thu bán sữa vẫn đóng góp chính với giá trị 1.894 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 69% đạt gần 209 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần sau 9 tháng đạt 2.969 đồng.

Theo kế hoạch 2020, Mộc Châu Milk đề ra mục tiêu tăng tổng đàn bò lên 28.680 con, chỉ tiêu doanh thu thuần là 2.905 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 157 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã vượt 33% kế hoạch lợi nhuận năm.

Hiện Mộc Châu Milk có tổng tài sản hơn 1.200 tỷ đồng; phần lớn là tiền và tiền gửi ngân hàng với giá trị 696 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản. Công ty không có vay nợ tài chính và có lợi nhuận chưa phân phối gần 220 tỷ trên vốn điều lệ 668 tỷ đồng.

EIB (Eximbank) - Từ xung đột quản trị đến niềm tin của dòng tiền

Là 1 trong 9 cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm VN30, nhưng trái ngược với đà tăng hai con số của các cổ phiếu ...

SCIC muốn rút khỏi dự án thuốc ung thư đầu tiên ở Việt Nam

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) mới đây thông báo bán đấu giá toàn bộ cổ phần tại CTCP ...

GAS South (PGS) vi phạm về thuế, bị phạt và truy thu 1,8 tỷ đồng

CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam (GAS South - Mã: PGS) mới đây đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ...

Hoàng Hà (t/h)

Tin liên quan