Sửa quy định thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước

Cập nhật: 23:13 | 25/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngày 25/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan.

Tại Nghị định số 97/2024/NĐ-CP, quy định trên được sửa thành: Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Phụ lục I Nghị định số 97/2024/NĐ-CP nêu rõ, doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước gồm: 1- Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; 2- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; 3- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; 4- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 5- Tập đoàn Điện lực Việt Nam; 6- Tập đoàn Hoá chất Việt Nam; 7- Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; 8- Doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn để thành lập mới theo quy định tại Điều 11 Luật số 69/2014/QH13.

Hình minh họa
Hình minh họa

Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghị định số 97/2024/NĐ-CP nêu rõ: Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật liên quan đối với:

1- Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập;

2- Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao quản lý hoặc được giao trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, bao gồm cả các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và không có tên tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;

3- Phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Ban Kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên

Về quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về quản lý cán bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo Nghị định số 97/2024/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Kiểm soát viên theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy mô của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban Kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn, quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức do mình quản lý làm Kiểm soát viên và có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho cán bộ, công chức khi thôi làm Kiểm soát viên.

Về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc

Theo Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có quyền đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị phụ thuộc sau khi đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương.

Tại Nghị định số 97/2024/NĐ-CP, quy định trên được sửa thành: Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có quyền đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu biết trong vòng 180 ngày kể từ ngày thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng.

Việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ doanh nghiệp.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/9/2024.

Chính phủ thống nhất trình đề án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao dài 1.541 km, dự kiến hoàn thành vào 2035

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận 5 nội dung quan trọng, gồm 2 đề nghị xây dựng luật là Luật ...

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật các TCTD

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Công điện số 63/CĐ-TTg ngày 26/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến ...

Xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL, TP.HCM và các tỉnh liên quan

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các Bộ, địa phương về xử lý ...

PV

Tin cũ hơn
Xem thêm