Sữa Quốc tế (IDP) của Chủ tịch Tô Hải "góp mặt" trong danh sách nợ bảo hiểm đầu năm 2024

Cập nhật: 11:13 | 22/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Sữa Quốc tế của Chủ tịch Tô Hải “có tên” trong danh sách chậm đóng bảo hiểm tháng 1/2024 của BHXH TP. Hà Nội.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội đã công khai danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn Thành phố tháng 1/2024 (số liệu tính đến hết 31/1/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/2/2024). Theo danh sách này, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 56.247 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm với số tiền chậm đóng từ hơn 1 triệu đồng đến hơn 56,7 tỷ đồng.

1041-idp-1
Công ty CP Sữa Quốc tế địa chỉ: Xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội cũng “có tên” trong danh sách chậm đóng bảo hiểm tháng 1/2024 của BHXH TP. Hà Nộ

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vị phạm, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng.

Đáng chú ý, Công ty CP Sữa Quốc tế (UPCOM: IDP) có địa chỉ tại xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội cũng có tên trong danh sách chậm đóng bảo hiểm tháng 1/2024 của BHXH TP. Hà Nội. Cụ thể, Sữa Quốc tế chậm đóng 1 tháng với số tiền chậm đóng là gần 3,9 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004, hoạt động chủ yếu là sản xuất sữa với các sản phẩm chính như sữa LiF, Kun, Bavi với 3 nhà máy tại Chương Mỹ, Ba Vì và Củ Chi. Công ty này chính thức niêm yết trên sàn UPCoM ngày 7/1/2021 với mã chứng khoán IDP.

Tính đến thời điểm sáng nay 22/2/2024, cổ phiếu IDP đang đứng ở mức hơn 259.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu của Sữa Quốc tế đang có chuỗi nhiều phiên kéo dài bị mất thanh khoản. Được biết, phiên gần nhất mã này ghi nhận có khối lượng giao dịch là vào ngày 31/1/2023, tuy nhiên cũng chỉ vỏn vẹn 200 đơn vị được giao dịch khớp lệnh.

Được biết, ông chủ của Công ty CP Sữa Quốc tế là ông Tô Hải, giữ vị trí Chủ tịch HĐTV. Bà Đặng Phạm Minh Loan là Tổng giám đốc công ty. Ngoài vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty CP Sữa Quốc tế, ông Tô Hải còn biết đến là Thành viên HĐQT Sáng lập viên, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital). Ông Hải được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán bản Việt từ năm 2007, kể từ khi thành lập công ty.

Cần biết, vào thời điểm giữa tháng 11/2022, Công ty Gold Field International đã không còn là cổ đông lớn của Sữa Quốc tế từ 15/11 sau khi hoàn tất giao dịch bán toàn bộ 3,3 triệu cổ phiếu IDP. Khi đó, Sữa Quốc tế chỉ còn 3 cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Blue Point sở hữu gần 32 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 54,28%); Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt sở hữu 8,8 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 15%) và bà Đặng Phạm Minh Loan - Tổng Giám đốc sở hữu gần 3 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 5%).

Hiện tại, Sữa Quốc Tế đang sở hữu 3 nhà máy chế biến sữa tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Ba Vì (Hà Nội) và Khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Công ty đang tiến hành xây dựng một nhà máy chế biến sữa tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Về tình hình kinh doanh, Công ty CP Sữa Quốc tế vừa công bố báo cáo tài chính với tình hình kinh doanh khởi sắc. Cụ thể, quý IV/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.676 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Trong kỳ, ngoài chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ, các khoản chi còn lại đều được tiết giảm mạnh. Nhờ đó mà sau khi trừ các chi phí, Sữa Quốc tế báo lãi 186 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận 6.654 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với năm trước. Sau thuế, công ty báo lãi 894 tỷ đồng, tăng 10%. Đây là đỉnh lợi nhuận của Sữa Quốc tế kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay.

Như vậy, với kết quả đạt được, Sữa Quốc tế đã vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra năm 2023.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Sữa Quốc tế tăng trích lập doanh thu hoạt động tài chính thêm 44% lên 146 tỷ đồng, Nguyên nhân chủ yếu là nhờ khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh 54% từ 82 tỷ đồng lên 127 tỷ đồng.

Đối chiếu sang bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2023, Sữa Quốc tế ghi nhận 211 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 2,5 lần so với số đầu kỳ. Đồng thời, công ty cũng ghi nhận khoản tiền gửi có kỳ hạn trị giá 1.048 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm. Chính nhờ khoản tiền nhàn rỗi “kếch xù” trên đã đẩy doanh thu tài chính của công ty tăng trong năm 2023.

Thêm doanh nghiệp ngành sữa muốn giao dịch trên UPCOM

CTCP Sữa Quốc tế (IDP), chủ thương hiệu sữa LIF Love'in Farm công bố thông tin họp đại hội đồng cổ đông bất thường vào ...

Sữa Quốc tế (IDP) dự kiến trả cổ tức tiền mặt 40-80% cho năm 2021

CTCP Sữa Quốc tế (Mã: IDP) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, đại hội dự kiến ...

Lilama 7 (LM7) 'mấp mé' âm VCSH, thường xuyên bị nhắc nợ thuế, bảo hiểm xã hội

Năm 2022, vốn chủ sở hữu của Lilama 7 (LM7) giảm từ 22,4 tỷ xuống còn 2,3 tỷ đồng. Tính ra, tổng nợ phải trả ...

Tiểu Vy