Báo cáo - Phân tích

SSI Research: P/B ngành ngân hàng chạm đáy, thời điểm tích lũy đã đến?

Anh Vũ 15/04/2025 16:10

Ngành ngân hàng Việt Nam đang chịu áp lực từ căng thẳng thuế quan và rủi ro tín dụng, nhưng SSI Research cho rằng, đây cũng là cơ hội tích lũy dài hạn. Với P/B về mức đáy, nhà đầu tư nên ưu tiên các ngân hàng có nền tảng ổn định như VCB, CTG, TCB.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất, SSI Research đánh giá bức tranh triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam đang bị bao phủ bởi những bất định xoay quanh chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Dù vậy, vẫn có những điểm sáng nhờ vào khả năng linh hoạt của hệ thống ngân hàng cũng như các chính sách hỗ trợ vĩ mô từ Chính phủ.

nh.jpg
SSI Research đánh giá những ngân hàng có mức độ liên quan cao với các ngành xuất khẩu và doanh nghiệp FDI sẽ chịu nhiều tác động nếu mức thuế đối ứng cao

Theo SSI, ngành ngân hàng đang đối diện với một tình thế phức tạp khi chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ và các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu sẽ chịu áp lực nặng nề, kéo theo khả năng giảm tốc tín dụng, gia tăng rủi ro nợ xấu và chi phí dự phòng cho các ngân hàng.

Bên cạnh đó, thu nhập từ tài trợ thương mại, giao dịch ngoại hối cũng có thể sụt giảm, trong khi các ngân hàng phải hạ lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, điểm tích cực là dư nợ tín dụng có thể được bù đắp từ các ngành hưởng lợi từ đầu tư công, bất động sản, tiêu dùng nội địa và hạ tầng. Chính phủ nhiều khả năng sẽ can thiệp bằng các gói hỗ trợ lãi suất, cơ cấu nợ, hoặc nới lỏng quy định về dự phòng, qua đó giúp hệ thống ngân hàng có dư địa hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày với các nước chưa trả đũa, trong đó có Việt Nam là cú hích tâm lý tích cực trong ngắn hạn. Các ngân hàng có liên hệ mật thiết với doanh nghiệp FDI hoặc nhóm xuất khẩu như các ngân hàng thương mại nhà nước (VCB, CTG, BID) sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tăng đơn hàng ngắn hạn.

Tuy nhiên, rủi ro dài hạn vẫn còn đó. Nếu căng thẳng thuế quan không sớm được giải quyết, tác động tiêu cực có thể bộc lộ rõ rệt từ cuối 2025 đến đầu 2026, buộc ngành ngân hàng phải chuyển hướng chiến lược, tập trung hơn vào tăng trưởng nội địa.

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố kế hoạch kinh doanh 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trung bình 17%, dù dự báo biên lãi ròng (NIM) sẽ thấp hơn do cạnh tranh gay gắt.

Một số ngân hàng như ACB, TCB, MBB, STB đưa ra kế hoạch khiêm tốn hơn so với kỳ vọng thị trường, trong khi VPB, HDB, OCB lại đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh hơn, phản ánh kỳ vọng vào hồi phục kinh tế và hạn mức tín dụng được nới rộng.

Tỷ lệ nợ xấu dự kiến giữ dưới 2%, ngoại trừ VIB và OCB. Một số ngân hàng tiếp tục ưu tiên giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thay vì chi trả cổ tức tiền mặt. CTG nổi bật với kế hoạch chia cổ tức cổ phiếu lên tới 44,64% và giữ lại toàn bộ lợi nhuận 2024 để tăng vốn.

Trong năm nay, VCB, BID, MBB đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ. MSB đặc biệt đáng chú ý khi đề xuất thoái vốn khỏi TNEX Finance, đồng thời lên kế hoạch thâu tóm công ty chứng khoán hoặc quản lý quỹ, nhằm xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện cho tập đoàn ROX Group.

Sau cú sụt giảm gần đây của thị trường, hệ số P/B trung bình của ngành ngân hàng đã về mức 1,2 lần, tiệm cận đáy từng ghi nhận trong giai đoạn Covid-19 và khủng hoảng trái phiếu tháng 10/2022. Đây là cơ hội để nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu ngân hàng một cách chọn lọc.

ssi1.jpg
Nguồn: SSI research

SSI Research đặc biệt ưa thích các ngân hàng có nguồn vốn cạnh tranh, kết quả kinh doanh ổn định và nhạy với sự phục hồi kinh tế như VCB, CTG, TCB, MBB. Trong khi đó, HDB có thể được cấp hạn mức tín dụng cao nhờ hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Với VPB và TPB, đợt điều chỉnh giá sâu gần đây có thể mở ra cơ hội giao dịch ngắn hạn hấp dẫn.

ssi.jpg
Nguồn: SSI research
      Nổi bật
          Mới nhất
          SSI Research: P/B ngành ngân hàng chạm đáy, thời điểm tích lũy đã đến?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO