Sóng cổ phiếu công nghệ: Liệu có "ứng trước" quá đà?

Cập nhật: 17:04 | 16/06/2024 Theo dõi KTCK trên

Cổ phiếu công nghệ đang chiếm lĩnh sự quan tâm cả ở cấp toàn cầu cùng thị trường chứng khoán Việt Nam, khi cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ mang lại bước nhảy vọt cho các doanh nghiệp trong ngành...

Sự quan tâm của các nhà đầu tư với cổ phiếu công nghệ, thể hiện ở đà tăng phi mã của hầu hết các cổ phiếu trong ngành, mà tiêu biểu là các cổ phiếu thuộc "họ" FPT và Viettel.

Tại nhóm FPT, người anh cả FPT liên tục lập đỉnh mới trong 5 tháng vừa qua, kết phiên 14/6 ở mức giá 152.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 70% so với hồi đầu năm. Đà tăng phi mã cùng đợt phát hành tăng vốn vừa qua giúp FPT vươn lên vị trí thứ ba về vốn hoá trên sàn HoSE, ở mức hơn 191.000 tỷ đồng; vượt qua Hoà Phát và chỉ đứng sau hai ngân hàng Vietcombank, BIDV.

FOX của Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) cũng tăng gấp đôi giá trị chỉ từ giữa tháng 4/2024 đến nay, từ vùng 55.000 đồng/cp lên sát 109.000 đồng/cp. Đây cũng là vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu này.

Sóng cổ phiếu công nghệ: Liệu có

Còn với FOC của Công ty CP Dịch vụ trực tuyến FPT dù chưa về lại vùng đỉnh nhưng cũng tăng dựng đứng kể từ giữa tháng 4 đến nay, từ vùng giá 75.000 đồng/cp lên 101.000 đồng/cp, tương ứng hiệu suất đầu tư 35%.

Trong "họ Viettel", CTR của Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction) không kém cạnh FPT khi kết phiên 14/6 ở mức giá đỉnh lịch sử 152.300 đồng/cp, tăng hơn 70% so với hồi đầu năm.

VGI của Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cũng chính thức chạm mốc đỉnh 100.000 đồng/cp vào phiên 14/6. So với hồi đầu năm, mã này đã tăng gấp gần 4 lần. Với hơn 3 tỷ cổ phiếu lưu hành, vốn hoá của VGI trên UPCoM đạt hơn 304.000 tỷ đồng. Nếu so trên toàn sàn chứng khoán thì vốn hoá của Viettel Global chỉ sau Vietcombank.

VTP của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) lập đỉnh hồi đầu tháng 3/2024 ở vùng giá gần 94.000 đồng/cp, tăng 65% so với hồi đầu năm. Sau giai đoạn điều chỉnh, mã phục hồi từ giữa tháng 4 đến nay và đã về lại mức giá 86.800 đồng/cp trong phiên thứ Sáu vừa qua.

Sóng cổ phiếu công nghệ: Liệu có

Một đại diện đáng chú ý khác là VTK của Công ty CP Tư vấn và Dịch vụ Viettel. Mã này ghi nhận thanh khoản cải thiện kể từ giữa tháng 4 đến nay và cũng âm thầm leo lên vùng đỉnh sát 90.000 đồng/cp, tăng gần gấp đôi giá trị chỉ sau 2 tháng.

Ngoài các đại diện tiêu biểu của 2 "hệ sinh thái" kể trên, nhiều cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ khác cũng đều ghi nhận diễn biến tích cực. Ví dụ như CMG của Tập đoàn công nghệ CMC đang giao dịch ở vùng đỉnh 70.000 đồng/cp, tăng 75% so với hồi đầu năm. Hay như ELC của Công ty CP Công nghệ - viễn thông Elcom đang giao dịch ở vùng đỉnh 29.000 đồng, tăng 53% sau 5 tháng.

Trước đà tăng nhanh của nhóm cổ phiếu công nghệ, khiến định giá P/E ở mức cao như FPT hơn 25 lần, CMG hơn 34 lần, CTR và ELC xấp xỉ 30 lần, trong khi trung bình thị trường khoảng 14 lần, có những ý kiến tỏ ra e ngại về khả năng "ứng trước tương lai" quá đà.

Chẳng hạn, Agriseco nhận định, việc hợp tác với Nvidia phát triển AI và chiến lược M&A các thị trường nước ngoài sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng bền vững của FPT. Tuy nhiên, định giá P/E ước tính năm 2024 đã ở mức hơn 25 lần, cao hơn bình quân 5 năm qua. Do đó, trong ngắn hạn, Agriseco khuyến nghị "theo dõi" cổ phiếu FPT, chờ giá điều chỉnh về vùng hấp dẫn hơn.

Mặc dù vậy, Agriseco và một số công ty chứng khoán khác như ACBS, Yuanta Việt Nam vẫn đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu FPT trong trung và dài hạn, với giá mục tiêu cao hơn hiện tại.

Với cổ phiếu CTR của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel, thị giá đang tiệm cận mục tiêu của Mirae Asset Việt Nam, nhưng công ty chứng khoán này duy trì đánh giá tích cực về sự phát triển của doanh nghiệp tất cả các mảng kinh doanh: xây dựng, vận hành khai thác hệ thống trạm thu phát sóng di động (BTS), giải pháp công nghệ thông tin, dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt là cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI có quan điểm "trung lập" với cổ phiếu CTR, vì giá đã đạt mục tiêu.

Theo SSI, Công trình Viettel có thể cần nguồn vốn lớn để đầu tư các trạm BTS khi công ty mẹ là Tập đoàn Viễn thông đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 5G vào tháng 3/2024, nhưng doanh nghiệp này vẫn quyết định sẽ chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt ở mức 27,2%, thay vì 10% như giai đoạn 2016 - 2021 (năm 2022 là 29,19%).

Liên quan đến định giá, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường chưa có công cụ thích hợp để định giá cổ phiếu công nghệ. Cùng với đó, trong xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán, định giá P/E của nhiều cổ phiếu khác cũng đang ở mức cao.

Do vậy, thị giá của nhóm cổ phiếu công nghệ chưa thể gọi là đắt ở thời điểm này. Thay vì nhìn vào định giá P/E hiện tại, nhà đầu tư nên nhìn vào câu chuyện tương lai, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất thì đây sẽ là một trong những động lực quan trọng kéo dài đà tăng trưởng của nhiều công ty công nghệ trong và ngoài nước.

Dự báo những nhóm ngành bứt phá lợi nhuận: Bán lẻ là đầu tàu?

Quý II/2024, cơ hội tìm kiếm các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận cao dần khan hiếm hơn, yếu tố nền kết quả kinh doanh ...

Sướng như cổ đông FPT: Cứ 4 phiên lại "lên đỉnh" một lần, nghìn tỷ đồng cổ tức sắp tới tay

Trong sóng tăng giá thời gian gần đây của FPT, trung bình cứ khoảng 4 phiên giao dịch, cổ phiếu công nghệ này lại "lên ...

Cổ phiếu TVS tăng nóng: "Quả ngọt" từ khoản đầu tư vào các kỳ lân công nghệ, giải trí

Cổ phiếu TVS bất ngờ bứt phá tăng giá có thể một phần đến từ sự tích cực trong danh mục đầu tư của Chứng ...

Linh Đan

Tin liên quan