Sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương triển khai thực hiện

Cập nhật: 11:09 | 17/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Hiện còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Do đó, đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị cơ quan có liên quan sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Chiều 16/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương triển khai thực hiện
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, căn cứ Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023, số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 29 ngày 8/1/2024, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết và đã có Tờ trình số 13/TTr-CP ngày 12/1/2024 về dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 1/2024 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sáng 16/1, Quốc hội đã nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết và đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này với hơn 100 ý kiến thảo luận. Các ý kiến cơ bản thống nhất với chính sách Chính phủ trình.

Về nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung, chính sách của dự thảo Nghị quyết theo đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm rõ việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán Nhà nước và theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cần tuân thủ nguyên tắc: đảm bảo tính đặc thù, không tạo ra các rào cản mới; có ý nghĩa cả về tính lâu dài, làm cơ sở đánh giá tổng kết chương trình trong giai đoạn sau...

Nghị quyết rất cần thiết để cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất và chuẩn bị Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Quốc hội đã hết sức trách nhiệm khi kịp thời đưa nội dung thảo luận và biểu quyết Nghị quyết này tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, đây là Nghị quyết rất cần thiết để cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tại các Nghị quyết số 100 và Nghị quyết số 108 của Quốc hội khóa XV. Trong đó đã đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều nhất khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương triển khai thực hiện
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nêu rõ, quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết rất nghiêm túc, thận trọng, đúng quy định, bao gồm cả việc xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết, lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện hồ sơ, thẩm định hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ, đồng thời tiếp tục rà soát, tiếp thu, hoàn thiện theo quy trình rút gọn để trình Quốc hội xem xét.

Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận thấy quy định như dự thảo Nghị quyết rất thông thoáng về phân bổ vốn, tuy nhiên đề nghị năng lực sử dụng vốn, đặc biệt ở cấp huyện để thực hiện các tiểu dự án của Chương trình.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Ban quản lý các chương trình sắp xếp kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho các cháu dưới 6 tuổi thuộc các hộ gia đình nghèo được học mẫu giáo, hỗ trợ bao nhiêu tùy thuộc vào địa phương đó và các hương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) bày tỏ thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu đề nghị viết lại điểm c khoản 1 Điều 4 để đảm bảo dễ thực hiện và giảm tải cho các địa phương khi Nghị quyết được thông qua. Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 4 viết lại như sau: “c) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần cho các đơn vị cấp tỉnh; phân bổ tổng thể nguồn kinh phí cho cấp huyện. Giao Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã, đơn vị cấp huyện”.

Ngoài ra, đại biểu Dương Khắc Mai nêu thực tế, hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã bước sang năm thứ 4, tuy nhiên, hiện còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Do đó, đại biểu tiếp tục đề nghị cơ quan có liên quan sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Cùng với đó, cần bổ sung cơ chế tháo gỡ để việc triển khai được thuận lợi hơn như giảm tỷ lệ vốn đối ứng đối người dân thụ hưởng vì bản thân họ rất khó khăn về điều kiện kinh tế và những địa phương còn khó khăn, phụ thuộc và cân đối ngân sách từ trung ương như tỉnh Đắk Nông nói riêng và nhiều tỉnh khác trong cả nước nói chung, để đảm bảo việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đúng tiến độ.

Đại biểu Mai cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nhiều dự án, dự án thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội khác chưa thể triển khai thực hiện được, vì lý do vướng vào diện tích quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản quặng bô xít. Do đó nhiều dự án, thành phần dự án chậm tiến độ thực hiện, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn thuộc chương trình, ảnh hưởng chung đến việc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan có giải pháp tháo gỡ để tỉnh Đắk Nông kịp thời triển khai thực hiện 3 chương trình theo đúng tiến độ.

Tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái), thực tế việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy một số nội dung dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành, do đó không còn đối tượng để thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng chưa đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định. Trong khi đó, các nhiệm vụ, nội dung chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất cần thiết, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định: “Cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu Nguyễn Quốc Luận lựa chọn phương án 1 là “Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Việc xác định từng loại tài sản cụ thể cho từng đối tượng cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định khi phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất”.

Theo đại biểu, phương án này sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhất là tại cấp cơ sở, thuận lợi hơn trong công tác theo dõi, giám sát đối với các tài sản này.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 2. Theo đại biểu, với phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc và đảm thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh.

Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý 18 nhóm nội dung tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tại phiên họp của Quốc hội sáng ngày 15/1, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ ...

Chính phủ đề xuất rót gần 62.700 tỷ đồng cho EVN và các dự án giao thông

Gần 62.700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ rót cho các dự án giao thông và để ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sĩ

Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trên cả phương diện đa phương và song phương...

PV

Tin cũ hơn
Xem thêm