Soi "sức khỏe” của 3 ngân hàng “bơm” 4.000 tỷ đồng cứu hãng bay quốc gia

Cập nhật: 09:32 | 08/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Gói tín dụng 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 3 ngân hàng MSB, SHB và SeABank được kỳ vọng sẽ xoa dịu phần nào cơn khát thanh khoản của hãng bay quốc gia Vietnam Airlines.

Thị trường chứng khoán ngày 8/7/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt đại dịch COVID-19

Vietnam Airlines được giải cứu

Ngày 7/7/2021, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đã ký kết hợp đồng tín dụng với ba nhà băng là Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB), và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã: MSB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.

2722-vietnam

Đại diện Đại diện Vietnam Airlines và ba ngân hàng SeABank, SHB, MSB ký hợp đồng tín dụng sáng 7/7.

(Ảnh: Vietnam Airlines).

Theo thỏa thuận riêng giữa SeABank và Vietnam Airlines được ký kết ngày 3/7, SeABank sẽ cho hãng hàng không quốc gia vay tối đa 2.000 tỷ đồng, bắt đầu giải ngân ngay từ đầu tháng 7.

Vietnam Airlines cho biết ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ vào cuối năm 2020, tổng công ty này đã chủ động làm việc với một số tổ chức tín dụng để vay vốn trong bối cảnh tình hình tài chính của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Lãi suất dành cho Vietnam Airlines sẽ thấp hơn so với mặt bằng của thị trường. Phần chênh lệch giữa lãi suất thực tế và lãi suất thị trường sẽ được vốn hóa, tức là quy đổi thành cổ phần HVN, theo mệnh giá 10.000 đồng/cp hoặc một mức giá khác.

Sau khi cho Vietnam Airlines vay, các ngân hàng thương mại sẽ được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm, quy mô tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn ba năm. Vietnam Airlines vẫn cần có tài sản bảo đảm khi vay từ các ngân hàng.

Giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Chính phủ thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% vốn tại Vietnam Airlines.

Hiện tại, Vietnam Airlines đang chuẩn bị phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động thêm 8.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III năm nay.

3 ngân hàng cho Vietnam Airline vay tiền đều có “sức khỏe” tốt

Về tình hình tài chính của 3 ngân hàng cho Vietnam Airline vay gói tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, kết thúc quý đầu năm 2021 đều ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc với mức lợi nhuận cao kỷ lục.

Kết thúc quý I/2021, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đạt kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong kỳ đạt hơn 698 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước và thực hiện được 30% kế hoạch năm.

1747-seabank
Kết quả kinh doanh quý I/2021 SeABank. (tổng hợp từ BCTC).

Trong quý đầu tiên của năm, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng, tăng gần 73% so với quý I/2020, đạt 1.105 tỷ đồng. Đáng chú ý, mảng dịch vụ ghi nhận sự khởi sắc, tăng mạnh 112,7% và đem về 123 tỷ đồng lãi thuần cho ngân hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối còn thu về cho SeABank hơn 78 tỷ đồng, trái ngược với con số lỗ 20,4 tỷ đồng của cùng kỳ.

Ngoài ra, thu nhập từ vốn góp, mua cổ phần tăng trưởng tới 239%, tuy nhiên, mảng hoạt động này vốn không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng.

Ở chiều ngược lại, mảng chứng khoán đầu tư lại khiến ngân hàng lỗ 6,6 tỷ đồng, trong khi quý I năm trước, hoạt động này mang về 34,7 tỷ đồng lãi thuần.

Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh lần lượt giảm 11,1% và 69,1% xuống mức 90,5 tỷ đồng và 49,2 tỷ đồng.

Ba tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SeABank tăng tới 86,3% lên 854 tỷ đồng; trong khi chi phí dự phòng rủi ro chỉ tăng nhẹ 4% lên 156 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vẫn tăng mạnh lên hơn 698 tỷ đồng.

1850-ngan-hang-1
Chỉ tiêu tài chính của SeABank.

Tính đến 31/3/2021, tổng tài sản của SeABank đạt 184.321 tỷ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm nay. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 2% đạt 111.050 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 1,7% lên mức 115.198 tỷ đồng. Sau ba tháng, số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 22 tỷ đồng (1,1%), tỷ lệ nợ xấu qua đó giảm từ mức 1,86% xuống 1,8%.

2310-msb-1
Lợi nhuận Quý I/2021 của MSB tăng gấp 4 lần cùng kỳ

Trong quý I/2021, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã ghi nhận tổng doanh thu thuần hơn 2.064 tỷ đồng, tăng 63,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 1.419 tỷ đồng, tăng 58,8% và đóng góp 68,7% tổng doanh thu thuần của MSB. Tăng trưởng của thu nhập lãi thuần chủ yếu đến từ việc MSB tăng trưởng tệp khách hàng và quy mô danh mục cho vay.

Bên cạnh điểm sáng từ tăng trưởng lãi thuần, chi phí hoạt động của MSB cho thấy dấu hiệu tích cực khi giảm mạnh 20% về mức 712,9 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) giảm về mức 34,5% so với mức 70% quý I/2020.

Từ những tăng trưởng tích cực trên, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.147 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 35% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua (3.280 tỷ đồng). Tại ngày 31/03/2021, ngân hàng chưa ghi nhận khoản thu nhập phí từ việc ký kết hợp đồng bảo hiểm với Prudential. Đây cũng là quý kinh doanh có lợi nhuận cao nhất của ngân hàng trong nhiều năm qua.

Đến cuối tháng 3, tiền gửi của khách hàng tại MSB đạt khoảng 91.800 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm và tăng 12,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 15,88% so với đầu năm và tăng 68,68% so với cùng kỳ năm trước, đạt 29.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,34% trong tổng tiền gửi.

Tăng trưởng tín dụng quý I cũng đạt 10,49%, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển dài hạn và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch như y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo… Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 3 ở mức 1,95%, kiểm soát chặt chẽ dưới 2% tổng dư nợ cho vay, MSB cũng là những ngân hàng có nợ quá hạn liên quan đến dịch COVID-19 phải cơ cấu thấp nhất thị trường.

Trong đó, tính đến hết quý I/2021, số dư nợ được ngân hàng cơ cấu theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN là 472 tỷ đồng, tương đương số dư nợ liên quan đến khách hàng được cơ cấu là hơn 1.200 tỷ đồng.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 tại ngày 31/03 đạt 9,64%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 32,24%, tuân thủ các tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước. Các tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE) và tổng tài sản (ROAA) lần lượt là 16,36% và 1,56%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cộng dồn 4 quý gần nhất đạt 2.500 đồng/ cổ phiếu.

Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), trong quý đầu năm, hầu hết hoạt động kinh doanh của SHB đều cho kết quả tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thu chính tăng 32%, đem về gần 2.226 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như thu từ dịch vụ tăng 13%, hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 19%, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 28 lần,…

2544-shb-1
SHB báo lãi nghìn tỷ trong quý 1/2021

Trong quý I/2021, SHB báo lãi trước và sau thuế gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.664 tỷ đồng và hơn 1.330 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 70%, tương đương 5.800 tỷ đồng cho cả năm 2021, SHB đã thực hiện được 29% sau quý đầu năm.

Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản của SHB tăng 1,38% so với thời điểm đầu năm, ở mức 418.407 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay khách hành đạt 310.690 tỷ đồng, quy mô tiền gửi khách hàng đạt 300.654 tỷ đồng.

Thu Thủy