"Siêu cảng" Cần Giờ có diễn biến mới, cổ phiếu MVN lập tức phá đỉnh lịch sử
Cổ phiếu MVN của VIMC tăng 11,28% phiên cuối tuần qua, thị giá đạt kỷ lục mới với vốn hóa vượt 90 nghìn tỷ đồng nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng và tiềm năng từ dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua 17/1, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tiếp tục tăng mạnh 11,28% lên mức 75.000 đồng/cổ phiếu, đánh dấu một kỷ lục mới của mã này trên thị trường chứng khoán. Với đà tăng trưởng này, vốn hóa của VIMC đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, giúp cổ phiếu MVN trở thành một trong những điểm sáng của ngành logistics trong thời gian gần đây.

Cổ phiếu MVN diễn biến khởi sắc thời gian gần đây trong bối cảnh doanh nghiệp đón nhận hàng loạt thông tin tích cực.
Cụ thể, VIMC đã ghi nhận những thành công vượt bậc trong năm 2024. Theo đó, tổng sản lượng vận tải biển năm qua đạt gần 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch. Trong lĩnh vực cảng biển, khối lượng hàng hóa thông qua đạt 145 triệu tấn, tăng 26% so với năm trước.
Kết quả này giúp doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 18.208 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 35% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận hợp nhất cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 65%, đạt 3.510 tỷ đồng, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và logistics.
Không chỉ duy trì đà tăng trưởng, VIMC còn đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm. Dự án bến container số 3 và số 4 tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ đi vào khai thác trong quý I/2025. Việc này sẽ tăng cường năng lực vận tải, mở rộng quy mô hoạt động cho VIMC.
Một tin tức quan trọng khác thúc đẩy cổ phiếu MVN là việc Thủ tướng Chính phủ chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào ngày 16/1/2025. Dự án này được thực hiện bởi liên danh Công ty CP Cảng Sài Gòn (thuộc VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL) – thành viên của hãng tàu MSC.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng trên diện tích 571 ha tại cù lao Gò Con Chó, TP. HCM, với tổng mức đầu tư không dưới 50.000 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự kiến là 50 năm, chia thành 7 giai đoạn phát triển. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu sẽ hoàn thành vào năm 2027 và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2045.
Dự án này không chỉ giúp nâng cao năng lực logistics, mà còn đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất hiện nay (24.000 TEU), cảng trung chuyển Cần Giờ dự kiến mang lại nguồn thu từ 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm sau khi hoàn chỉnh.
Cảng Cần Giờ không chỉ là bước tiến chiến lược của VIMC, mà còn góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của VIMC trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành hàng hải Việt Nam.
Việc đón nhận những thông tin tích cực về kinh doanh và dự án mới đã giúp cổ phiếu MVN có đà tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư. Với những chiến lược bền vững và các dự án tầm cỡ, VIMC hứa hẹn tiếp tục là một trong những điểm sáng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.
Nguyên Nam