Siết tín dụng vào bất động sản: Cần có sự chọn lọc phù hợp

Cập nhật: 10:23 | 10/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Trong bối cảnh các nguồn tín dụng liên quan đến bất động sản đang được siết chặt, Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng đây là động thái cần thiết để đưa thị trường về đúng giá thực, song cần cân đối và có sự chọn lọc phù hợp.

1554-dinh-trong-thinh
Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.

Biện pháp với thị trường bất động sản

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, việc siết tín dụng vào bất động sản góp phần thanh lọc các nhà đầu tư và các doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và kinh doanh tràn lan. Tuy nhiên, cần có các biện pháp để thị trường bất động sản có thể hồi phục và phát triển, đáp ứng nhu cầu hồi phục và tăng trưởng của các ngành kinh tế quốc dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, cần xem xét mức độ tín dụng bất động sản một cách linh hoạt, phù hợp với từng ngân hàng thương mại và từng dự án, không nên quy định “chắc cú” tỷ lệ 8% chung cho tất cả các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, có khả năng tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sớm có sản phẩm bất động sản đưa ra thị trường trong một thời gian phù hợp. Đặc biệt, cần quan tâm cung cấp vốn tín dụng cho các dự án đang trong quá trình thực thi và chuẩn bị đưa sản phẩm bất động sản cung cấp cho thị trường.

Theo chuyên gia, đây là điều cần thiết và quan trọng, bởi nếu nguồn cung hàng hóa bất động sản không đáp ứng được sự tăng lên của nhu cầu sẽ đẩy giá bất động sản tăng lên và tạo ra rất nhiều hệ lụy. Vì vậy, thị trường bất động sản vẫn cần được cung cấp nguồn vốn vay, nhưng có sự chọn lọc phù hợp.

Hệ luỵ cho cả nền kinh tế

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong ba năm gần đây, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực BĐS giảm về tỷ trọng so với tín dụng của toàn hệ thống. Tín dụng đổ vào BĐS giảm từ trên 26% năm 2018 xuống khoảng 12% năm 2020, thấp hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến cuối năm 2021, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS vẫn duy trì ở mức 12%. Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 19% tổng dư nợ nền kinh tế và dự kiến sẽ giảm trong năm 2022.

Theo các chuyên gia, BĐS là lĩnh vực cho vay an toàn bởi có tài sản thế chấp. Chỉ khi chủ đầu tư yếu kém, dự án treo thì tiền mới bị chôn, vốn ngân hàng mới khó thu hồi. Còn với chủ đầu tư uy tín, quỹ đất sạch, pháp lý đầy đủ dự án đúng tiến độ, chất lượng, thanh khoản tốt thì ngược lại. Có sản phẩm ra thị trường thì cũng cần cho người dân mua bán, đầu tư.

Việc ồ ạt siết tín dụng bất động sản còn là sự đánh đồng các nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp với những đơn vị năng lực kém, như vậy không có tính thanh lọc để lành mạnh hóa thị trường. Ngoài ra, nếu tín dụng bị khóa đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp khó, doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng lại đối diện với nguy cơ nợ xấu.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc cho vay tín dụng với các dự án căn hộ chung cư bình dân, căn hộ chung cư trung cấp, chính sách tín dụng ưu đãi với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, nhu cầu thu hút lực lượng lao động cho các khu công nghiệp, các khu kinh tế trọng điểm, là đầu tàu phát triển của các vùng và của cả nền kinh tế.

Đặc biệt, cần cung cấp vốn vay cho những người có nhu cầu mua nhà thực để ở, nhất là những người mua nhà lần đầu.

8 lời khuyên cho doanh nghiệp trước giờ ngân hàng siết tín dụng vào bất động sản

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì từ 01/01/2019, các tổ chức tín dụng chỉ còn được sử dụng tối đa 40% nguồn ...

Tiếp tục siết tín dụng vào bất động sản

TBCKVN - Theo chỉ thị về các nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu ...

Thuận Thảo

Tin cũ hơn
Xem thêm