SHS: Nếu VN-Index mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm thì chỉ số có thể lui về vùng 1.325-1.340 điểm

Cập nhật: 05:00 | 27/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Công ty Chứng khoán SHS, VN-Index có thể hồi phục trở lại trong tuần mới để hướng đến vùng kháng cự trong khoảng 1.375-1.380 điểm nếu như ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm được giữ vững. Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm thì chỉ số có thể hướng đến vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.325-1.340 điểm.

Sau ba tuần hồi phục liên tiếp thì cuối cùng thị trường đã điều chỉnh trong tuần qua. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 1,47 điểm (-0,1%) xuống 1.351,17 điểm; HNX-Index tăng 1,66 điểm (+0,5%) lên 359,63 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trong tuần qua gia tăng so với tuần trước đó với trung bình khoảng 25.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 1,8% lên 107.830 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 15% lên 4.194 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 6,1% lên 18.774 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 9,8% lên 950 triệu cổ phiếu.

Với việc tăng giảm trái chiều của hai sàn thì các nhóm cổ phiếu chủ chốt có sự phân hóa trong tuần qua. Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với 1,2% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như VCB (+2,4%), TCB (+1,7%), MBB (+3,1%), ACB (+1,3%), TPB (+2%), SHB (+0,7%)... Nhóm dịch vụ tiêu dùng với cùng mức tăng 1,2% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như MWG (+6,1%), DGW (+1%)... Ngành hàng tiêu dùng tăng nhẹ với 0,2% giá trị vốn hóa chủ yếu nhờ mức tăng từ trụ cột là VNM (+4,9%).

Ở chiều ngược lại, có khá nhiều ngành chìm trong sắc đỏ. Ngành nguyên vật liệu giảm mạnh nhất 2,3% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu thuộc ngành con thép như HPG (-1,9%), HSG (-2,4%), NKG (-1,3%)...; ngành còn hóa chất - phân bón như DPM (-1%), DCM (-2%), DGC (-5,1%)... Ngành công nghệ thông tin (-1,7%) với FPT (-0,4%), CMG (-3,2%)... Ngành công nghiệp (-1,6%) với BMP (-0,6%), CII (-2,8%), GEX (-3,7%), GMD (-6,8%)... Các ngành như dầu khí (-0,9%), tiện ích cộng đồng (-0,4%), tài chính (-0,4%), dược phẩm và y tế (-0,1%) đều giảm nhẹ.

3605-shs
Hình minh họa

Trong khi đó, khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng trong tuần giao dịch vừa qua nhưng giá trị đã giảm đáng kể so với các tuần trước đó. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 140 triệu cổ phiếu, trị giá 5.852 tỷ đồng, trong khi bán ra 165 triệu cổ phiếu, trị giá 6.668 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 25 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 815 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp với giá trị giảm 80% so với tuần trước và ở mức 829 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 29,3 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 7 tuần vừa qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 17.968 tỷ đồng.

VIC vẫn đứng đầu giá trị bán ròng của khối ngoại với 379 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG và DGC bị bán ròng lần lượt 350 tỷ đồng và 225 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND và E1VFVN30 cũng bị bán ròng mạnh với lần lượt 192 tỷ đồng và 105 tỷ đồng. Trong khi đó, MBB được khối ngoại đẩy mạnh mua ròng hơn 509 tỷ đồng. VNM và VCB được mua ròng lần lượt 250 tỷ đồng và 220 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng trở lại 125 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 3,1 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HNX bán ròng mạnh nhất mã VCS với 28 tỷ đồng. VNR đứng sau với giá trị bán ròng 26 tỷ đồng. PLC và BCC bị bán ròng lần lượt 20 tỷ đồng và 16 tỷ đồng. Chiều ngược lại, CEO được mua ròng mạnh nhất với 6,4 tỷ đồng. Các mã KLF và SHB cũng đều được mua ròng trên 1 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại tiếp tục mua ròng 139 tỷ đồng, giảm 5,5% so với tuần trước, tương ứng khối lượng mua ròng là 7,2 triệu cổ phiếu. Đây cũng là tuần mua ròng thứ 9 liên tiếp của dòng vốn ngoại sàn này với tổng giá trị 747 tỷ đồng. HHV được khối ngoại trên UPCoM mua ròng mạnh nhất với 112 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là ACV với 19,5 tỷ đồng. Trong khi đó, QNS bị bán ròng mạnh nhất với 14 tỷ đồng. VEA và BSR bị bán ròng lần lượt 7,4 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.

Theo Công ty chứng khoán SHS, thị trường điều chỉnh trong hai phiên đầu tuần vừa qua do tâm lý nhà đầu tư chịu tác động tiêu cực từ vụ khủng hoảng Evergrande nhưng nhanh chóng hồi phục sau đó khi mà các thị trường chứng khoán trên thế giới đồng loạt hồi phục, nhất là sau tuyên bố từ cuộc họp của FED và VN-Index đã kết tuần với mức giảm nhẹ. Điểm tiêu cực là việc khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng hơn 900 tỷ đồng trên hai sàn.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tiếp tục kết tuần trên ngưỡng tâm lý 1.350 điểm nên khả năng tiếp tục đi lên là có thể xảy ra. Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 27/9-1/10, VN-Index có thể hồi phục trở lại để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.375-1.380 điểm (đỉnh sóng b) nếu như ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm được giữ vững.

Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm thì chỉ số có thể hướng đến vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.325-1.340 điểm (MA20-50).

Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể canh những phiên hồi phục để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao đứng ngoài và quan sát thị trường, chưa nên mua vào ở thời điểm hiện tại.

Nhận định chứng khoán ngày 27/9/2021: Hạn chế mua đuổi và kiểm soát rủi ro

Trong phiên giao dịch cuối tuần 24/9, thị trường chứng khoán Việt Nam tuy giảm điểm nhẹ nhưng cổ phiếu giảm trên diện rộng khi ...

Phiên giao dịch ngày 27/9/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch ...

Nhận định chứng khoán ngày 27/9/2021: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 27/9/2021. Tạp ...

Tuệ An