SHS: Lực cầu mua lên vẫn tốt và dòng tiền đang ở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội

Cập nhật: 16:15 | 27/11/2021 Theo dõi KTCK trên

VN-Index (+2,8%) tăng khá tốt trong tuần qua để thiết lập mức đỉnh lịch sử mới và VN30 (+4,4%) cũng vượt đỉnh lịch sử. Thanh khoản tuần qua giảm nhẹ nhưng cao hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên khá tốt và dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội…

Thị trường tăng điểm khá tốt trong tuần qua với thanh khoản tiếp tục ở mức cao. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 40,68 điểm (+2,8%) lên 1.493,03 điểm; HNX-Index tăng 4,66 điểm (+1%) lên 458,63 điểm.

Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 37.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5% xuống 165.943 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9% xuống 5.341 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 18,7% xuống 20.188 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 26,2% xuống 724 triệu cổ phiếu.

Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng trong tuần qua. Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với 6,7% giá trị vốn hoá, với các mã tiêu biểu trong nhóm như VCB (+8,1%), BID (+2,4%), CTG (+4,6%), TCB (+3,3%), MBB (+7,1%), VPB (+8,3%), ACB (+3,4%), SHB (+7,3%)... giúp cho VN-Index và VN30 thiết lập mức đỉnh lịch sử mới.

0951-dong-tien
Hình minh họa

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tài chính với mức tăng 2,5% giá trị vốn hoá, nhờ đà tăng của các cổ phiếu thuộc ngành con bất động sản như VIC (+3,9%), VHM (+3,5%), NVL (+8,3%)...; ngành con chứng khoán như SSI (+10,3%), HCM (+4,5%), VCI (+6,2%), VND (+4%), SHS (+9,5%), FTS (+3,8%)...

Nhóm hàng tiêu dùng tăng 1,6% với các trụ cột như VNM (+2,6%), MSN (+6,9%)... Nhóm công nghệ thông tin cũng tăng 1,6% vốn hoá với trụ cột là FPT (+3,8%)... Các nhóm còn lại có mức tăng nhẹ như nguyên vật liệu (+0,9%), dược phẩm và y tế (+0,9%), dịch vụ tiêu dùng (+0,9%).

Ở chiều ngược lại, ngành dầu khí giảm mạnh nhất với 4,7% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu PLX (-4,4%), OIL (-5,5%), BSR (-2,8%), PVD (-7,7%), PVS (-4,2%), PVB (-3,5%), PVT (-2,7%)... Ngành tiện ích cộng đồng giảm 3,1% với các trụ cột GAS (-3,8%), POW (-2,9%)...

Bất chấp các chỉ số liên tiếp lập đỉnh mới, giao dịch của khối ngoại vẫn đi theo chiều hướng tiêu cực. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 188 triệu cổ phiếu, trị giá 8.678 tỷ đồng, trong khi bán ra 276 triệu cổ phiếu, trị giá 11.848 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 87,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 3.170 tỷ đồng, gấp 2,7 lần tuần trước đó.

Trên sàn HoSE, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị gấp 2,8 lần tuần trước đó và ở mức 3.300 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 88 triệu cổ phiếu. Nếu xét về khớp lệnh thì giá trị bán ròng của khối này là 2.699 tỷ đồng. Tính chung cả 4 tuần qua (từ đầu tháng 11), dòng vốn ngoại sàn HoSE bán ròng tổng cộng 7.700 tỷ đồng. VPB là cái tên bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị đột biến là 1.477 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG cũng bị bán ròng 476 tỷ đồng. HCM cũng bị khối ngoại bán ròng 385 tỷ đồng. Trong khi đó, CTG được mua ròng mạnh nhất với 265 tỷ đồng. STB đứng sau với giá trị mua ròng 169 tỷ đồng. Các mã VCB, KBC hay GMD đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng lên thành 10 tuần với giá trị 57 tỷ đồng (giảm 44% so với tuần trước đó), tương ứng khối lượng bán ròng là 1,8 triệu cổ phiếu. Tính tổng cộng, khối ngoại sàn HNX bán ròng 726 tỷ đồng trong 10 tuần vừa qua. Khối ngoại ở sàn HNX bán ròng mạnh nhất mã CEO với 80 tỷ đồng. NVB và API đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 12 tỷ đồng và 4,7 tỷ đồng. Chiều ngược lại, PVI được mua ròng mạnh nhất sàn này với 19 tỷ đồng. SHS cũng được mua ròng 17,8 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại tiếp tục mua ròng 187 tỷ đồng (tăng 50% so với tuần trước), tương ứng khối lượng mua ròng là 2,26 triệu cổ phiếu. QNS được khối ngoại ở UPCoM mua ròng mạnh nhất với giá trị 137 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là CTR với 33 tỷ đồng. Trong khi đó, LTG bị bán ròng mạnh nhất với 32 tỷ đồng. TTN đứng sau nhưng giá trị bán ròng chỉ là 3,8 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán SHS, VN-Index (+2,8%) tăng khá tốt trong tuần qua để thiết lập mức đỉnh lịch sử mới và VN30 (+4,4%) cũng vượt đỉnh lịch sử. Thanh khoản tuần qua giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên vẫn tốt và dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong sóng 5 với target theo lý thuyết trong khoảng 1.530-1.550 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng 4). Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, những rung lắc có thể xảy ra.

Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 29/11-03/12, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và mua thêm khi thị trường test ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm đã chốt lời một phần danh mục trong tuần qua nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải trong thời điểm hiện tại.

Khối ngoại rút ròng trên 3.000 tỷ đồng trong tuần qua, riêng VPB bị bán đột biến 1.477 tỷ

Thị trường chứng khoán biến động tích cực trong tuần từ 22-26/11. Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn ...

Giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu tối đa 0,45% giá trị giao dịch

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 102/2021/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 29/11-3/12: Dòng tiền tiếp tục ở lại nhóm cổ phiếu nhỏ và đầu cơ?

Thị trường trong nước phiên cuối tuần cũng không nằm ngoài xu hướng giảm chung của chứng khoán toàn cầu, điểm tích cực là mức ...

Tuệ An