Shark Nguyễn Hòa Bình: Người đi đầu trong lĩnh vực điện tử hóa thương mại

Cập nhật: 10:14 | 22/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Doanh nhân Nguyễn Hoà Bình là gương mặt nổi bật trong làng công nghệ - thương mại Việt. Ông cũng là vị Shark có trái tim nhân hậu, ẩn sau những phát ngôn thẳng thắn, quyết liệt của một nhà kinh doanh trong Chương trình truyền hình thực tế Shark Tank trên VTV.

Hồ sơ "khủng" của tân Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam

Hai "nữ tướng" Việt lọt top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Những bóng hồng quyền lực nhất Việt Nam

Shark Bình tên thật là Nguyễn Hòa Bình, sinh năm 1981 tại Hà Nội. Ông là nhà sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn Nexttech. Bắt đầu lập nghiệp từ những năm 2000, Shark Bình đã được truyền thông, báo chí nhắc đến như một trong những giám đốc trẻ nhất Việt Nam, thành lập doanh nghiệp từ năm 19 tuổi.

Shark Nguyễn Hòa Bình từng là sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội chuyên ngành công nghệ thông tin. Sau này ông tiếp tục học lên thạc sĩ tại một trường đại học danh giá của thành phố Osaka, Nhật bản. Tại đây, Shark Bình theo học chuyên ngành tin học đô thị. Trong suốt quá trình phát triển sự nghiệp kinh doanh, ông đã đạt hơn 30 giải thưởng lớn nhỏ về kinh doanh công nghệ.

Đam mê với công nghệ từ khi còn nhỏ, Shark Bình luôn thể hiện năng lực của mình trong lĩnh vực tin học. Thời sinh viên, ông từng tham gia rất nhiều các cuộc thi tài năng công nghệ và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi như Vifotech, Trí tuệ Việt Nam, Tuổi trẻ sáng tạo, Tài năng tin học trẻ, giải Imagine Cup do Microsoft phát động.

1337-doanhnhan1
Shark Nguyễn Hòa Bình - nhà sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn Nexttech

Ở năm thứ 2 đại học, Shark Bình đã bắt đầu khởi nghiệp với công ty đầu tiên: PeaceSoft - chuyên viết phần mềm cho các cơ quan doanh nghiệp. PeaceSoft ra đời với số vốn vỏn vẹn chỉ có 2 triệu đồng. Khi đó, ông Bình vừa làm chủ, vừa làm nhân viên cho chính công ty của mình. Đây cũng là một trong những start-up công nghệ trên nền internet thế hệ đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 2003, tại hội thảo Net Booking lớn nhất của giới kinh doanh châu Á, Shark Bình đã dùng 5 phút quý báu mà Chương trình ấn định cho mỗi công ty để trình bày trọn vẹn ý tưởng của mình. Sau sự kiện này, Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG đã quyết định đầu tư và tạo ra bước ngoặt phát triển của PeaceSoft.

Suốt 7 năm gia công phần mềm theo yêu cầu của khách hàng, Nguyễn Hòa Bình nhận thấy đây là công việc "ráo mồ hôi hết tiền", ông đã quyết định chuyển sang mô hình dịch vụ chủ động và mới mẻ hơn: Thương mại điện tử. PeaceSoft xây dựng Chodientu.vn được xem là một trong những dự án đi đầu về thương mại điện tử tại Việt Nam với mục tiêu mang đến nhiều tiện lợi cho việc mua sắm online.

Sau này, khi Tập đoàn eBay thất bại tại thị trường Trung Quốc và chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á, PeaceSoft trở thành ứng cử viên sáng giá được chọn làm đối tác kinh doanh thương mại của eBay tại Việt Nam.

Đây được cho là thời điểm cực thịnh của PeaceSoft. Ông Bình từng khẳng định rằng: eBay xuất hiện ở Việt Nam đúng vào thời điểm dân Việt đang "khát hàng ngoại". Ebay.vn đã "chắp cánh" cho người Việt có thể mua sắm khắp thế giới. Nhân cơ hội đó, Peacesoft đã xây dựng thêm Nganluong.vn nhằm hỗ trợ thanh toán cho Chodientu.vn và eBay.vn.

Tuy nhiên khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam dần phát triển, các tên tuổi lớn như Lazada và Shopee lần lượt nhảy vào, còn eBay thì rời Việt Nam, doanh nhân trẻ Nguyễn Hòa Bình đứng trước thử thách cạnh tranh khốc liệt khi PeaceSoft dần mất thị trường vào tay các "ông lớn" khác.

"Trên mặt đất, khi chợ không có khách thì vẫn còn bất động sản. Nhưng với chợ trên mạng, khi chợ mất thì chỉ còn một cái tên miền vô giá trị. Chưa kể, thương mại điện tử chỉ có chỗ cho một vài ‘ông lớn’, vậy còn có chỗ cho PeaceSoft?", ông Bình đặt câu hỏi.

Không để rơi tự do mà tạo đà để cất cánh

Đầu năm 2016, PeaceSoft tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn để không dừng lại ở thị trường thương mại điện tử mà tham gia vào cuộc chơi lớn hơn là “điện tử hóa thương mại”. Ông Bình sau đó đổi tên công ty thành NextTech và xây dựng hệ sinh thái với 20 dịch vụ điện tử hóa, hoạt động tại Việt Nam và 8 thị trường khác tại Đông Nam Á, Trung Quốc trong 4 lĩnh vực là thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và giáo dục.

1335-doanhnhan
FastGo - 1 ứng dụng gọi xe trực tuyến của NextTech

Năm 2017, NextTech được vinh danh trong Top "50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam", chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) bình chọn. Với sản lượng giao dịch ước đạt 500 triệu USD và doanh thu 90 triệu USD, cùng một hệ sinh thái với hơn 40 pháp nhân, 20 mảng hoạt động kinh doanh trong ba lĩnh vực chính thương mại điện tử, công nghệ tài chính và dịch vụ hậu cần, NextTech đã khẳng định vị thế doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực điện tử hoá thương mại tại thời điểm đó.

Bên cạnh thành công kể trên, doanh nghiệp còn sở hữu nhiều thương hiệu công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như: FastGo, mPOS, VIMO.vn, Ngân Lượng, Boxme… Tổng sản lượng giao dịch điện tử hàng năm ước đạt 3 tỷ đô. Với số lượng nhân viên lên đến 200 người tại 8 quốc gia trong khu vực.

Sự thành công và phát triển vượt bậc của NextTech được nhiều người ví như "Alibaba của Việt Nam". Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn vinh dự được bầu chọn là 1 trong 10 công ty có ảnh hưởng đến sự phát triển Internet của Việt Nam. Trong suốt 20 năm đầu tư và phát triển trong lĩnh vực công nghệ, NextTech xây dựng thêm các mục tiêu mở rộng đầu tư ở các lĩnh vực khác.

Doanh nhân giầu, mạnh, hầu hết khiêm nhường

Nhận xét trên cũng đúng trong trường hợp của Shark Bình. Dù là nhà sáng lập và chủ tịch công ty triệu đô, nhưng người ta vẫn chỉ thấy ở vị doanh sớm thành công từ lúc khởi nghiệp đến giờ một tư chất dung dị, thẳng thắn, bộc trực-tư chất của người hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, CNTT.

Người ta cũng dễ dàng nhận thấy phẩm chất đáng nể phục nữa ở ông là ngoài việc tập trung phát triển Công ty NextTech và các dự án đầu tư khác, ông Bình còn rất quan tâm hỗ trợ các Startup trẻ Việt Nam. Ông luôn sẵn sàng đồng hành, giúp đỡ các Startup trẻ, giúp họ có thể rút ngắn thời gian phát triển mạnh mẽ trong bước đường khởi nghiệp.

Theo Quỳnh Trang/Doanh nhân Việt Nam

Tin liên quan