Sau ý kiến của VASB, Bộ Tài chính quyết định không nâng lô lên 1.000

Cập nhật: 19:33 | 09/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Chiều ngày 9/3, Bộ Tài chính cũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán với sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn chứng khoán TP HCM (HOSE) trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm.

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng đã xây dựng đồng thời nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống.

Một trong ba giải pháp do Bộ Tài chính xây dựng được cho là khá phù hợp với quan điểm của FPT đã được các bên liên quan phân tích đánh giá và bàn giải pháp thực hiện tại buổi làm việc.

Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 đến 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Trước đó, tại cuộc gặp mặt với chủ đề "Đối thoại 2045" giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT khẳng định quyết tâm cùng Bộ Tài chính xây dựng giải pháp tháo gỡ tình trạng nghẽn mạng trong giao dịch trên sàn chứng khoán HOSE trong thời gian nhanh nhất.

3203-bo-tai-chinh
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Tài chính).

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của Tổ công tác và sự chủ động, trách nhiệm của Tập đoàn FPT.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Sở Giao dịch Chứng khoán chủ động phối hợp với FPT để triển khai phương án giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạng trong giao dịch chứng khoán. Giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán.

Bên cạnh việc quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán, Bộ trưởng cũng cho rằng, trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HOSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.

VASB đề nghị bỏ phương án nâng lô lên 1.000

Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) liên quan đến đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 - 1.000 cổ phiếu được lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đưa ra cách đấy ít ngày.

Theo lãnh đạo VASB, thời gian gần đây, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán tại HOSE liên tục bị nghẽn mạng. Trước tình hình đó, đã có nhiều thông tin về việc nâng lô giao dịch từ 100 - 1.000 cổ phiếu.

Hiệp hội nhận thấy, nếu thực hiện theo chủ trương này như đề xuất của HOSE là không phù hợp. Hiệp hội cũng đã nhận được rất nhiều phản ánh từ các công ty thành viên và báo chí về vấn đề này. Đại diện cho các công ty thành viên, Hiệp hội xin kiến nghị bãi bỏ việc áp dụng nâng lô giao dịch như ý kiến đề xuất của HOSE với những lý do sau:

Thứ nhất, Việt Nam đang cố gắng để thoát khỏi nhóm thị trường cận biên, chuyển sang thị trường mới nổi do đó không thể không quan tâm đến các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bởi lẽ, nhà đầu tư dù trong nước hay quỹ đầu tư nước ngoài họ sẽ cân nhắc các quy định pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, sự minh bạch của thị trường trước khi tham gia. Với giải pháp dự kiến đưa ra từ HOSE về việc nâng lô tối thiểu thì các nhà đầu tư vốn ít dưới 100 triệu đồng có sẽ không có cơ hội tích lũy được cổ phiếu đầu ngành, thị giá lớn. Nếu nhà đầu tư có vốn dưới 50 triệu đồng sẽ không giao dịch được khoảng 64 cổ phiếu, chiếm 54% vốn hóa HOSE, xét trên số lượng không nhiều nhưng vốn hóa thị trường khá lớn. Trong khi đó, tôn chỉ của ngành chứng khoán là minh bạch – công bằng – công khai nên việc nâng lô có thể sẽ dẫn đến thiếu sự công bằng trong đầu tư chứng khoán giữa các nhà đầu tư; đó còn là một bước lùi của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ hai, việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 sẽ phát sinh lô lẻ rất nhiều. Trước nâng từ 10 lên 100/lô đã phát sinh cổ phiếu lẻ song việc này đã được nhiều nhà đầu tư thông cảm. Tuy nhiên, khi lên lô 1.000 cổ phiếu thì số lượng lô lẻ nhiều hơn hẳn, tương ứng giá trị cũng cao hơn. Điều này khiến một số công ty chứng khoán không có hoạt động tự doanh thì nay cũng phải có để thực hiện thu mua lô lẻ.

Thực tế việc thu mua cổ phiếu lẻ của nhà đầu tư (phát sinh do trả cổ tức, nâng lô giao dịch...), thường các công ty chứng khoán khi thu mua thì đưa giá thấp hơn thị giá, thậm chí chỉ bằng 60 - 70% thị giá. Nếu chỉ một vài cổ phiếu thì nhà đầu tư sẽ không quan tâm, nhưng nếu đến hàng trăm với giá trị nhiều triệu đồng thì câu chuyện sẽ rất khác.

Thứ ba, việc nâng lô lên 1.000 cổ phiếu chắc chắn sẽ khiến dòng tiền vào thị trường cũng bị hạn chế khi nhiều nhà đầu tư tầm trung và nhỏ lẻ không thể tham gia. Việc đó cũng đồng nghĩa cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn sẽ bị ảnh hưởng nhất định về khối lượng và giá trị giao dịch.

Sẽ có bảng giao dịch riêng cho cổ phiếu HOSE di cư sang sàn HNX

Sau 1 tuần lấy ý kiến các công ty chứng khoán (CTCK) thành viên về thời gian cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống ...

Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đề nghị bỏ phương án nâng lô lên 1.000

Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ...

Phó Chủ tịch VASB Nguyễn Thanh Kỳ: Nâng lô tối thiểu lên 1.000 sẽ ảnh hưởng đến CTCK và nhà đầu tư yếu thế

Liên quan đến tác động của việc nâng lô đến dòng tiền trên thị trường, lãnh đạo VASB cho rằng, số lượng đặt lệnh giao ...

PV

Tin cũ hơn
Xem thêm