Sau sáp nhập, TP Huế sẽ phải giải quyết những bài toán nào để trở thành cực kinh tế mới ở miền Trung?
Cả nước đang thực hiện sáp nhập tỉnh thành, việc sau khi sáp nhập Huế vẫn giữ nguyên và là thành thành phố trực thuộc Trung ương là dấu mốc quan trọng.
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương: Từ nghị quyết đến hiện thực
Sau gần 30 năm kiên trì đề xuất và hơn 5 năm quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là bước chuyển mình quan trọng, khẳng định về vai trò, vị thế chiến lược của vùng đất cố đô.

Ngay từ năm 1996, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Quốc hội đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được thông qua. Phải đến tháng 12/2019, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54, giấc mơ đó mới được hiện thực hóa từng bước. Nghị quyết này xác định rõ: Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng là văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan và đô thị thông minh.
Ngày 28/9/2024, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tờ trình số 495/TTr-CP về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được thông qua với sự đồng thuận cao. Việc này không chỉ mang ý nghĩa chính trị, hành chính mà còn mở ra một không gian phát triển mới cho toàn tỉnh.
Kinh tế Huế kỳ vọng đột phá
Dù trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, quy mô kinh tế của Huế vẫn khiêm tốn so với mặt bằng chung cả nước. GRDP năm 2024 của Huế đạt hơn 80.000 tỷ đồng, chiếm chưa đến 0,8% GDP quốc gia. GRDP bình quân đầu người chỉ 2.840 USD, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4.700 USD của cả nước.
Huế đang ở nhóm thu nhập trung bình thấp, trong khi cả nước đã chuyển sang nhóm thu nhập trung bình cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới. Để xứng tầm với vị thế mới, Huế phải tăng tốc mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế, vượt tốc độ bình quân của cả nước trong nhiều năm liên tiếp.
Các điểm nghẽn như thủ tục hành chính phức tạp, hạ tầng giao thông quá tải, nguồn thu ngân sách thấp cũng đang ảnh hưởng lớn đến tiềm năng phát triển. Năm 2024, thu ngân sách nhà nước tại Huế đạt 13.200 tỷ đồng, thấp hơn nhiều tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nghệ An hay Đà Nẵng.
Ngoài ra, các thế mạnh truyền thống về di sản, y tế, giáo dục và văn hóa chưa được khai thác hiệu quả để tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Lĩnh vực du lịch dù được xác định là mũi nhọn, nhưng cơ sở hạ tầng dịch vụ còn hạn chế: chỉ có 22 khách sạn 3-5 sao với hơn 3.000 phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu của dòng khách cao cấp.
Quyết tâm thực hiện đột phá
Trước những thách thức đó, thành phố Huế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn và phát huy tiềm năng nội tại. Tại kỳ họp HĐND thành phố ngày 26/2/2025, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh yêu cầu “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ sản phẩm” trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Thành phố cũng xác định ba đột phá chiến lược:
Phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, giải ngân vốn công.
Phát huy ba trung tâm động lực: đô thị di sản Huế, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, khu công nghiệp Phong Điền.
Đây là thời cơ để Huế tái cấu trúc toàn diện, huy động nguồn lực xã hội, xây dựng hình ảnh một thành phố văn hóa – sinh thái – thông minh và năng động. Đồng thời, Huế phải đẩy mạnh liên kết vùng, tăng khả năng thu hút đầu tư, mở rộng không gian đô thị để thật sự trở thành cực tăng trưởng của miền Trung.