Sau sáp nhập, Thái Nguyên sở hữu "viên ngọc xanh" lớn nhất Việt Nam : Đẹp mê hoặc, vừa được Chính phủ phê duyệt bảo tồn
Sau khi thực hiện sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên sở hữu nơi được coi là "báu vật" ở Việt Nam.
Ẩn mình giữa đại ngàn xanh thẳm của vùng Đông Bắc, Hồ Ba Bể không chỉ là thắng cảnh quốc gia đặc biệt mà còn là một “bảo tàng sống” về lịch sử hình thành vỏ Trái đất.

Theo các nghiên cứu của Viện Địa chất Việt Nam phối hợp với Hội Địa chất Bỉ, cách đây hơn 450 triệu năm vào cuối kỷ Cambri quá trình kiến tạo địa chất đã nâng một khối nước khổng lồ lên vùng núi đá vôi cao hơn 145m so với mực nước biển. Kết quả là một hồ nước ngọt kỳ vĩ ra đời, len lỏi qua dãy núi, rừng già và hệ thống hang động nguyên sinh.
Hồ Ba Bể nằm tại tỉnh Thái Nguyên (mới), khi thực hiện chủ trương sáp nhập Thái Nguyên và Bắc Kạn, cách Hà Nội khoảng 240km, có diện tích khoảng 650 ha, trải dài hơn 8km với độ sâu trung bình từ 20–25m. Ba nhánh hồ nối thông nhau là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng là những cái tên mộc mạc như gợi lại câu chuyện xa xưa của đồng bào bản địa. Với diện tích bề mặt lên đến 5 triệu mét vuông, hồ được ví như “trái tim của núi rừng Đông Bắc” mang sắc xanh thẳm, tĩnh lặng như tranh thủy mặc.
Không chỉ được thiên nhiên ban tặng cảnh quan ngoạn mục, Hồ Ba Bể còn là một trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Vào năm 1995, hồ được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tại Mỹ công nhận là 1 trong 20 hồ đặc biệt cần được bảo vệ. Vườn quốc gia Ba Bể cũng lần lượt được công nhận là Vườn di sản ASEAN (2004) và trở thành khu Ramsar thứ ba của Việt Nam vào năm 2011 – đánh dấu vai trò của nơi đây trong hệ sinh thái toàn cầu.

Dưới làn nước trong xanh là cả một thế giới sống động với hơn 100 loài cá nước ngọt, trong đó có cá lăng, cá rầm xanh, anh vũ – những loài từng chỉ xuất hiện trong truyền thuyết dân gian. Hồ cũng là nơi cư trú của 235 loài chim quý hiếm, trong đó nhiều loài thuộc danh mục cần bảo tồn nghiêm ngặt. Mỗi sáng, âm thanh của muôn loài chim hòa quyện cùng tiếng nước, gió và lá rừng, tạo nên một bản giao hưởng thanh tĩnh giữa lòng đất trời.
Hướng đến du lịch xanh bền vững
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược gìn giữ và phát huy giá trị của di sản địa chất hàng triệu năm tuổi.
Theo đó, Hồ Ba Bể được định hướng trở thành Khu du lịch quốc gia trước năm 2030, giữ vai trò trung tâm du lịch sinh thái – văn hóa vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Không gian quy hoạch được tổ chức thành 4 vùng chức năng chính, vừa bảo tồn thiên nhiên, vừa thúc đẩy phát triển cộng đồng:
Phía Bắc: Khai thác cảnh quan sông nước, hang động, kết nối với Na Hang (Tuyên Quang) qua dòng sông Năng, mở ra hành trình khám phá liên vùng đầy mê hoặc.

Phía Nam: Giữ gìn bản sắc sinh thái và văn hóa dọc sông Lèng – nơi những ngôi làng dân tộc Tày vẫn giữ nguyên nếp sống cổ xưa.
Phía Đông: Phát triển hạ tầng đón tiếp du khách, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giáo dục môi trường như một “cửa ngõ xanh” đến với thiên nhiên hoang dã.
Phía Tây: Bảo tồn văn hóa người Mông, phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm bản địa.
Toàn bộ khu vực được chia thành 19 phân khu chức năng chi tiết, lồng ghép với quy hoạch xây dựng, hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Chính phủ xác định ưu tiên thu hút du khách nội địa, đồng thời từng bước tăng tỷ lệ khách quốc tế, tập trung vào phân khúc có khả năng chi trả cao và ý thức bảo vệ môi trường.
Với tầm nhìn dài hạn, Hồ Ba Bể sẽ không chỉ là điểm đến du lịch nổi bật trên bản đồ Việt Nam, mà còn là minh chứng cho mô hình phát triển bền vững là nơi di sản thiên nhiên và con người cùng chung sống hài hòa trong sự tôn trọng và gìn giữ.