Chính sách - Đầu tư

Sau sáp nhập, nếu xây sân bay ở Ninh Bình sẽ có lợi ích và thách thức nào?

Ngọc Linh 12/07/2025 17:05

Ninh Bình có tiềm năng phát triển sân bay để phục vụ du lịch, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ về quy hoạch vùng.

Tiềm năng và kỳ vọng từ đề xuất xây sân bay

Việc tại tỉnh Ninh Bình, doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất xây dựng một sân bay quốc tế đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Dự án này được kiến nghị đặt tại khu vực Ý Yên (tỉnh Nam Định cũ) hoặc địa điểm do Bộ Xây dựng đề xuất, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh kết hợp xã hội hóa theo mô hình PPP.

Sân bay Ninh Bình
Sân bay Ninh Bình (Ảnh minh họa)

Ninh Bình hiện là một trong những địa phương du lịch nổi bật tại miền Bắc, với các điểm đến nổi tiếng như Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, cố đô Hoa Lư hay chùa Bái Đính. Năm 2024, địa phương đón hơn 8,7 triệu lượt khách, trong đó có gần 2 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, việc chưa có sân bay gây bất tiện đáng kể cho du khách, khi phải di chuyển từ Nội Bài (Hà Nội) hoặc Thọ Xuân (Thanh Hóa) qua đường bộ mất 3–4 giờ.

Theo TS Nguyễn Bách Tùng – chuyên gia thiết kế công trình hàng không, việc có sân bay sẽ giúp Ninh Bình giảm phụ thuộc vào các sân bay lân cận, thu hút thêm khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở vùng mới sáp nhập gồm Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam, cũng như một phần phía nam Hà Nội và Thanh Hóa.

Bên cạnh lợi ích giao thông, đề xuất xây dựng sân bay theo hình thức đối tác công tư (PPP) còn được đánh giá là cơ hội thúc đẩy kinh tế tư nhân, góp phần thực hiện Nghị quyết 68 của Trung ương về huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho hạ tầng chiến lược. TS Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, nhấn mạnh: “Ở Mỹ, nhiều thị trấn nhỏ có sân bay riêng nhờ vào nguồn vốn doanh nghiệp và cộng đồng, không nhất thiết phải trông chờ ngân sách trung ương”.

Đầu tư và hiệu quả sử dụng

Dù có nhiều thuận lợi, đề xuất xây sân bay tại Ninh Bình cũng vấp phải lo ngại về tính hiệu quả và tính khả thi trong dài hạn. Theo quy hoạch mạng lưới cảng hàng không Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, Vùng Thủ đô Hà Nội đã xác định sẽ có sân bay thứ hai đặt tại khu vực Phú Xuyên (Hà Nội), dự kiến triển khai giai đoạn 2030–2050. Khoảng cách từ Ý Yên (Ninh Bình) đến Phú Xuyên chỉ khoảng 40–50 km, khiến khả năng chồng lấn luồng khách, hàng hóa trở nên rõ rệt.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định việc hình thành thêm một sân bay gần sân bay Phú Xuyên có thể làm giảm hiệu quả đầu tư. Trong trường hợp cả hai sân bay cùng tồn tại, cần tính toán rõ ràng về chức năng, thời điểm triển khai và quy mô để tránh lãng phí nguồn lực.

Mối lo khác là ảnh hưởng vùng trời. TS Trần Quang Châu – Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam – cho rằng việc bố trí nhiều sân bay gần nhau có thể gây trùng lặp tuyến bay, ảnh hưởng tới không lưu và vận hành. Quy hoạch sân bay không chỉ cần xét yếu tố mặt đất, mà còn phải đảm bảo phân bổ hợp lý vùng trời và không gian hoạt động.

Ngoài ra, theo đánh giá từ các chuyên gia ngành giao thông, sân bay Ninh Bình hiện chưa được đưa vào danh sách sân bay tiềm năng theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt. Các địa phương như Gia Bình (Bắc Ninh), Măng Đen (Kon Tum), Vân Phong (Khánh Hòa) được xác định là có tiềm năng cao hơn do vị trí chiến lược, ít chồng lấn và có khả năng phục vụ nhu cầu phát triển logistics quốc gia.

Một phương án trung gian được đề xuất là Ninh Bình nên xem xét xây dựng sân bay chuyên dùng – phục vụ du lịch, vận chuyển hàng hóa, không khai thác vận chuyển công cộng thường lệ – để phù hợp với thực tiễn, tránh đầu tư quá lớn trong giai đoạn đầu.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Sau sáp nhập, nếu xây sân bay ở Ninh Bình sẽ có lợi ích và thách thức nào?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO