Sau sáp nhập Lào Cai - Yên Bái, bản đồ hành chính Sa Pa sẽ thay đổi ra sao?
Lào Cai triển khai sáp nhập cấp xã với tỷ lệ giảm lớn, thị xã Sa Pa là một trong những đơn vị sẽ tiến hành cải tổ mạnh mẽ.
Thí điểm mô hình hai cấp chính quyền
Ngay từ đầu năm, Bí thư Thị ủy Sa Pa - ông Phan Đăng Toàn đã nêu quan điểm về việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ ba cấp xuống hai cấp, gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành và đảm bảo sự thông suốt từ Trung ương đến cơ sở. Trong bối cảnh thị xã Sa Pa ngày càng hội nhập sâu rộng, mô hình này càng trở nên cấp thiết.

Theo đó, chính quyền địa phương đề xuất bỏ cấp huyện và sắp xếp lại cấp xã, đồng thời đổi mới cách gọi các đơn vị hành chính. Cụ thể, phần đô thị sẽ được gọi là “khu”, phần nông thôn là “vùng”. Các chức danh như bí thư, chủ tịch UBND xã sẽ được thay bằng bí thư, chủ tịch UBND khu hoặc vùng, phù hợp với mô hình hai cấp chính quyền.
Một phương án khác mà ông Toàn đưa ra là giữ nguyên tên gọi “thị xã Sa Pa” dù đã chuyển sang hoạt động theo mô hình chính quyền cấp cơ sở. Phương án này nhằm duy trì thương hiệu Sa Pa đã được định vị trong nước và quốc tế, đồng thời tạo thuận lợi trong quan hệ hợp tác đối ngoại. Sa Pa hiện là thành viên của Liên minh Du lịch các thành phố hữu nghị do Côn Minh (Trung Quốc) khởi xướng, với sự tham gia của nhiều đô thị quốc tế.
Lào Cai giảm mạnh số lượng đơn vị hành chính cấp xã
Đề xuất cải cách ở Sa Pa diễn ra trong bối cảnh tỉnh Lào Cai đang triển khai sắp xếp lại toàn bộ hệ thống hành chính cấp xã theo Nghị quyết 60 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Theo đó, từ 151 đơn vị hành chính cấp xã hiện có, toàn tỉnh sẽ giảm xuống còn 48 đơn vị, trong đó có 3 phường và 45 xã – mức giảm lên tới 68,22%.
Đáng chú ý, tại Sa Pa, số xã và phường sẽ giảm từ 18 xuống còn 6, gồm Sa Pa, Mường Bo, Tả Phìn, Bản Hồ, Tả Van và Ngũ Chỉ Sơn. Phương án sáp nhập được xác định dựa trên các nguyên tắc về địa bàn, dân cư, cơ sở hạ tầng và khả năng điều hành của bộ máy sau sắp xếp.
Tỉnh ủy Lào Cai yêu cầu UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến người dân, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và cơ sở vật chất sau sáp nhập. Đây là bước đi quan trọng để đảm bảo việc chuyển đổi diễn ra trật tự, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế.
Thách thức và kỳ vọng trong chuyển đổi mô hình
Việc giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã và bỏ cấp chính quyền trung gian là một bước cải cách lớn, mang theo nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức. Tại Sa Pa, thách thức không chỉ đến từ việc sắp xếp bộ máy, mà còn nằm ở việc giữ vững thương hiệu, vị thế quốc tế trong khi thay đổi cách tổ chức hành chính.
Theo giới chuyên môn, nếu được thực hiện bài bản, mô hình hai cấp chính quyền sẽ giúp giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian xử lý công việc, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính của người dân. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đòi hỏi phải có kế hoạch đào tạo cán bộ, ổn định tâm lý xã hội và đảm bảo quyền lợi người dân.
Là điểm đến du lịch hàng đầu, năm 2024 Sa Pa đón khoảng 4,2 triệu lượt khách. Mục tiêu đến năm 2030, địa phương này sẽ đón 9 triệu lượt khách, trong đó hơn 30% là khách quốc tế. Do đó, việc tổ chức lại hệ thống chính quyền vừa phải đảm bảo hiệu quả quản lý, vừa phải tương thích với chiến lược phát triển du lịch chất lượng cao, đòi hỏi cách làm mới và tư duy hành chính hiện đại.