Sau phiên bật tăng mạnh nhất một thập kỷ, chứng khoán Mỹ lại gây bất ngờ
Chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc trong phiên 10/4 khi lo ngại về thuế quan và triển vọng kinh tế u ám khiến nhà đầu tư ồ ạt bán tháo. Cổ phiếu công nghệ và bán dẫn chìm trong sắc đỏ, trong khi dòng tiền tìm đến vàng và tài sản trú ẩn. Các tín hiệu từ thị trường trái phiếu và phát biểu của quan chức Fed càng làm tăng kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất sớm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/4 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 11/4 giờ Việt Nam), các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh. Chỉ số S&P 500 mất 188,85 điểm (3,46%), lùi về 5.268,05 điểm. Nasdaq Composite giảm 737,66 điểm (4,31%) xuống mức 116.387,31 điểm, trong khi Dow Jones bốc hơi 1.014,79 điểm (2,5%) còn 39.593,66 điểm.
Trong 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500, chỉ duy nhất nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu (.SPLRCS) giữ được sắc xanh. Ngược lại, nhóm năng lượng (.SPNY) và công nghệ (.SPLRCT) ghi nhận mức giảm mạnh nhất.
Cổ phiếu công nghệ tiếp tục chịu áp lực bán mạnh. Toàn bộ nhóm "Magnificent Seven", những tên tuổi lớn liên quan đến trí tuệ nhân tạo, đều giảm từ 2,3% đến 6%. Nvidia (NVDA) dẫn đầu đà giảm với mức sụt tới 5,91%, đóng cửa tại 107,57 điểm. Apple (AAPL) cũng không tránh khỏi làn sóng bán tháo, mất 4,24% về mức 190,92 điểm.

Cổ phiếu Tesla giảm 7,27% đạt mức 252,41 điểm vào hôm thứ Năm khi các nhà đầu tư tập trung vào mức thuế quan cao ngất ngưởng 145% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Cổ phiếu của hãng xe điện này đã giảm 40% từ đầu năm đến nay.
Ford (F) giảm 3,79% xuống 9,14 điểm sau khi bị Goldman Sachs hạ xếp hạng do lo ngại về chính sách thuế mới và rủi ro chuỗi cung ứng. Trong khi đó, CarMax (KMX) cũng "bốc hơi" 17% còn 66,45 điểm sau báo cáo doanh số và lợi nhuận quý IV thấp hơn dự báo. Công ty đồng thời từ bỏ mục tiêu tăng trưởng dài hạn và không đưa ra triển vọng cho năm tài chính 2026.
Sau đợt tăng mạnh của cổ phiếu bán dẫn hôm qua, áp lực giảm đối với các nhà sản xuất chip đã quay trở lại. Cổ phiếu của nhà sản xuất vi xử lý Microchip Technology (MCHP) đã giảm 13,6% còn 38,81 điểm. Còn Power Systems (MPWR) cũng giảm 13,7% vể mức 484,71 điểm.
Giá hợp đồng tương lai vàng tăng hơn 3% khi bất ổn liên quan đến thuế quan thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý này, vốn thường được xem là khoản đầu tư trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động kinh tế. Đà tăng giá đã giúp nâng đỡ cổ phiếu khai thác vàng. Cổ phiếu của Newmont (NEM), nhà sản xuất vàng hàng đầu thế giới, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong S&P 500, tăng vọt 4,5% lên mức 50,94 điểm.
Cổ phiếu của nhà điều hành nền tảng giao dịch thu nhập cố định MarketAxess Holdings (MKTX) tăng 3,5% vào hôm thứ Năm, phục hồi từ mức giảm nhẹ ghi nhận trong phiên trước đó. Đầu tuần này, các nhà phân tích tại Morgan Stanley đã nâng mức xếp hạng cổ phiếu MarketAxess lên "vượt trội" từ "trung lập", chỉ ra rằng nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong môi trường kinh tế hiện tại có thể thúc đẩy khối lượng giao dịch bổ sung cho các sàn giao dịch.
Thị trường trái phiếu Mỹ biến động mạnh do lo ngại thuế quan sẽ làm tổn hại nền kinh tế. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng vọt tới 36 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 4, trước khi điều chỉnh nhẹ khi có thông tin tạm dừng áp thuế.
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee kêu gọi tiếp cận thận trọng trong chính sách tiền tệ giữa bối cảnh bất ổn. Ông cho rằng thị trường trái phiếu vẫn đang giữ được ổn định, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc giữ kỳ vọng lạm phát ở mức kiểm soát.
Một số ngân hàng lớn đã cảnh báo nguy cơ suy thoái đang đến gần. Thị trường hiện định giá khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải hạ lãi suất quyết liệt hơn để hỗ trợ thị trường lao động, ngay cả khi lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%.