Sau gần một thập kỷ trên UPCoM, bao giờ Đường Quảng Ngãi niêm yết?
Đường Quảng Ngãi chốt quyền trả cổ tức đợt cuối năm 2024 với tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu, dự chi hơn 735 tỷ đồng. Tại đại hội vừa qua, đại diện doanh nghiệp cũng đã đề cập tới vấn đề niêm yết của cổ phiếu QNS.
Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) vừa công bố ngày 15/4 tới sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt đợt còn lại của năm 2024, với tỷ lệ 20% (tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu). Thời gian thanh toán dự kiến bắt đầu từ ngày 25/4. Với hơn 367,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ chi tổng cộng hơn 735 tỷ đồng cho đợt cổ tức này.

Tính cả hai đợt tạm ứng cổ tức đã thực hiện trong tháng 9/2024 và tháng 1/2025, tổng mức cổ tức chi trả cho năm 2024 lên tới khoảng 1.470 tỷ đồng. Con số này tương ứng 40% vốn điều lệ của công ty và chiếm 55,6% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm.
Về kết quả kinh doanh, năm 2024, Đường Quảng Ngãi ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.678 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm trước và vượt 19% kế hoạch đã đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.645 tỷ đồng, tăng trưởng 8% và vượt tới 76% chỉ tiêu đề ra đầu năm. Theo doanh nghiệp, kết quả tích cực này đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành mía đường nội địa – xu hướng khởi phát từ năm 2021 sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu.
Dẫn số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2023–2024 ghi nhận tổng diện tích trồng mía trên cả nước đạt 163.000 ha, sản lượng thu hoạch vượt 11,2 triệu tấn, trong đó sản lượng đường đạt hơn 1,1 triệu tấn – đều tăng đáng kể so với niên vụ trước.
Riêng với Đường Quảng Ngãi, diện tích vùng nguyên liệu trong niên vụ vừa qua tăng 12% lên 29.057 ha, sản lượng mía đạt gần 2 triệu tấn, tăng trưởng 15%. Nhờ hiệu suất chế biến đạt 8,8 tấn mía cho mỗi tấn đường thành phẩm, tổng sản lượng đường đạt 215.272 tấn – chiếm gần 19,4% thị phần toàn ngành. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 210.000 tấn, giảm nhẹ 6% so với năm trước do công ty không sử dụng nguồn đường thô nhập khẩu vì chi phí nhập khẩu theo hạn ngạch quá cao.
Ở mảng tiêu dùng nhanh (FMCG), sức mua toàn thị trường vẫn chưa phục hồi rõ rệt, song Đường Quảng Ngãi vẫn ghi nhận mức tăng trưởng nhờ chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Tổng sản lượng sữa tiêu thụ năm qua đạt 255 triệu lít, tăng 5,6%, kéo theo doanh thu tăng 4,3%. Thương hiệu Vinasoy tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai trong phân khúc sữa uống liền tại Việt Nam, đồng thời củng cố thị phần trong mảng sữa đậu nành.
Tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 29/3 vừa qua, ban lãnh đạo QNS nhận định giá đường trong và ngoài nước nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới nhờ nguồn cung được cải thiện. Công ty định hướng tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu mía và đậu nành theo hướng bền vững, đồng thời thúc đẩy phát triển các dòng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường nhằm đón đầu xu thế tiêu dùng mới.
Dù đạt kết quả vượt kỳ vọng trong năm 2024, công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 khá thận trọng với doanh thu mục tiêu giảm 6% còn 10.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.790 tỷ đồng, giảm 25% so với thực hiện năm trước. Cổ tức dự kiến duy trì ở mức tối thiểu 15%. Ban lãnh đạo QNS cho biết, việc đưa ra kế hoạch kinh doanh dè dặt nhưng đạt kết quả vượt trội vào cuối năm không phải điều hiếm gặp tại doanh nghiệp này.
Liên quan đến khả năng chuyển sàn niêm yết sau gần một thập kỷ giao dịch trên UPCoM, đại diện công ty cho biết hiện chưa có kế hoạch cụ thể, do thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn biến động. Trong phiên giao dịch sáng 1/4, cổ phiếu QNS được giao dịch quanh mức 48.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 7% so với đầu tháng 2.