Chuyển động

Sau gần một thập kỷ, Đạm Phú Mỹ (DPM) quay lại với lĩnh vực từng khiến họ phải rút lui

Thu Hà 22/05/2025 10:22

Sau gần 10 năm tập trung ngành cốt lõi, Đạm Phú Mỹ bất ngờ trở lại với lĩnh vực từng khiến doanh nghiệp phải rút lui vì hiệu quả đầu tư không như kỳ vọng.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (HOSE: DPM), thường được biết đến với thương hiệu Đạm Phú Mỹ mới đây đã gây bất ngờ khi thông báo thay đổi đăng ký doanh nghiệp, trong đó bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh bất động sản. Cụ thể, công ty chính thức đăng ký “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê” như một ngành hoạt động mới.

Đạm Phú Mỹ
Nhiều doanh nghiệp ngoại đạo cũng không cưỡng nổi sức hấp dẫn của bất động sản

Thông tin này lập tức thu hút sự chú ý, bởi đây không phải lần đầu DPM thử sức với lĩnh vực địa ốc. Trước đó, doanh nghiệp từng có “kỷ niệm không vui” với dự án tổ hợp Trung tâm Thương mại Cửu Long tại Cà Mau – công trình được triển khai từ cuối năm 2008 trong chiến lược phát triển đa ngành giai đoạn 2008–2015. Dự án khi đó có tổng vốn dự kiến lên tới 400 tỷ đồng, nằm ở vị trí giao thông trọng điểm và được kỳ vọng trở thành điểm nhấn đô thị khu vực Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, thực tế triển khai không như kỳ vọng. Từ năm 2015, Đạm Phú Mỹ đã từ bỏ định hướng bất động sản, chuyển sang chiến lược tập trung ngành cốt lõi. Dự án Cửu Long bị đánh giá là không hiệu quả, phần lớn diện tích bị thu hồi. Một phần diện tích 1,23 ha được DPM chuyển mục đích sang đất ở, hợp tác với đối tác Huỳnh Châu. Nhưng chính tại đây, doanh nghiệp lại vướng vào lùm xùm pháp lý khi đối tác này bị điều tra sai phạm. Trong phiên ĐHĐCĐ thưởng niên 2022, cổ đông chất vấn mạnh mẽ về trách nhiệm cá nhân liên quan và hiệu quả đầu tư.

Dù ban lãnh đạo khẳng định DPM không chịu trách nhiệm pháp lý trong hợp tác với Huỳnh Châu, nhưng vụ việc vẫn là một vết gợn không nhỏ, khiến quyết định quay lại bất động sản lần này càng thêm nhiều dấu hỏi.

Quyết định bổ sung ngành nghề bất động sản trong thời điểm hiện tại của Đạm Phú Mỹ có thể phản ánh một thay đổi trong tư duy chiến lược – không còn cứng nhắc tránh xa địa ốc mà có thể chủ động hơn trong việc quản lý, khai thác ngành bất động sản.

Bất động sản – chiếc bánh lớn nhưng không dễ nuốt

Thị trường bất động sản Việt Nam luôn hấp dẫn vì khả năng sinh lời cao, nhất là trong giai đoạn sốt đất hoặc đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực khắc nghiệt và không thiếu những “người ngoài cuộc” đã thất bại khi liều lĩnh tham gia.

Không ít doanh nghiệp từ các ngành nghề không liên quan như thép, điện, may mặc hay thậm chí là taxi đã rẽ ngang đầu tư vào địa ốc. Tập đoàn Hòa Phát, SeaProdex, Thành Công (TCM), Gelex, hay GIL là những cái tên đã từng dấn bước vào lĩnh vực này. Trong đó, DRH Holdings từng là một công ty phân phối phân bón nhưng sau năm 2017 đã “xóa sổ” hoàn toàn ngành nghề này để theo đuổi bất động sản như một chiến lược dài hạn.

Thế nhưng không phải ai cũng thành công. Từ câu chuyện của Hoàng Anh Gia Lai rút khỏi địa ốc để trở lại nông nghiệp, đến Mai Linh buộc bán bớt tài sản bất động sản để trả nợ, có thể thấy thị trường này đòi hỏi một nền tảng tài chính mạnh, khả năng quản trị dự án, hiểu biết quy hoạch và dòng vốn dài hạn – những yếu tố không hề đơn giản với các doanh nghiệp xuất thân từ ngành công nghiệp sản xuất phần bón như DPM.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Sau gần một thập kỷ, Đạm Phú Mỹ (DPM) quay lại với lĩnh vực từng khiến họ phải rút lui
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO