Sau 5 năm, đất tại Bình Định thiết lập mặt bằng giá mới

Cập nhật: 15:23 | 16/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, trong báo cáo số 103/BC – UBND gửi Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND tỉnh Bình Định nêu rõ sự biến động của giá đất ở trên địa bàn tỉnh trong những năm 2015-2020.

Sau khi UBND tỉnh tiến hành điều chỉnh, giá đất ở tại nhiều khu vực của Bình Định đều tăng trung bình từ 50 – 100% sau 5 năm. Những nơi được đầu tư, nâng cấp hạ tầng ghi nhận mức tăng đột phá.

Theo đó, tại các huyện, thị xã, TP. Quy Nhơn, so với năm 2015, giá đất ở khu vực 1 được điều chỉnh tăng 70%; giá đất ở khu vực 2 đến khu vực 6 tăng từ 80-200% để phù hợp với giá đất khu vực 1 và giá đất nông nghiệp trong khu vực dân cư, đất vườn đất ao nằm cùng thửa đất ở.

Cụ thể, so với năm 2015, giá đất ở tại thành phố Quy Nhơn được điều chỉnh tăng từ 50 – 70% tại các tuyến đường ổn định, không được nâng cấp hạ tầng. Những khu vực quy định giá đất chưa hợp lý hoặc được đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng nay ghi nhận mức tăng từ 60 – 389%. Như vậy, mức giá đất ở cao nhất từ 26,6 triệu đồng/m2 tăng lên 46,5 triệu đồng/m2; mức giá thấp nhất từ 400.000 đồng/m2 tăng lên 600.000 đồng/m2.

1858-quy-nhyn
Một góc thành phố Quy Nhơn nhìn từ trên cao (nguồn internet)

Tại hầu hết các phường, thị trấn, và ven trục đường giao thông các huyện, giá đất được điều chỉnh tăng trung bình từ 50-100% sau 5 năm. Trong đó, một số khu vực tại thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn ghi nhận mức điều chỉnh cao nhất đến 340% hoặc 400%.

UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết giá đất điều chỉnh được đưa ra trên cơ sở điều tra, khảo sát và xây dựng phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trên cơ sở ý kiến thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trước khi có bảng giá đất điều chỉnh được ban hành nói trên thì theo đánh giá của giới địa ốc, thực tế đất Quy Nhơn đã có đà tăng khá ổn định và đều đặn trong vài năm trở lại đây, theo chu kỳ của các khu vực đang được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, trong đó có các vùng phát triển kinh tế mới với những điểm du lịch nổi tiếng như Kỳ Co, Eo Gió…

Có thể kể đến những điểm sáng nổi bật như quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế sau khi đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp để đáp ứng việc khai thác các chuyến bay quốc tế. Hiện sân và bến đậu máy bay được mở rộng lên 7 vị trí, đáp ứng khai thác với công suất 1,5 triệu khách/năm, tạo điều kiện thu hút du khách trong và ngoài nước đến với “thiên đường biển đảo miền Trung”.

Nhiều dự án lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thiện các trục giao thông huyết mạch, góp phần nâng tầm và kết nối xuyên suốt toàn bộ khu vực ven đô với trung tâm thành phố. Gần đây nhất, quốc lộ 19B với ý nghĩa đặc biệt quan trọng nối liền 3 tâm điểm lớn tại Bình Định là sân bay Phù Cát, khu kinh tế Nhơn Hội và thành phố Quy Nhơn đã thông xe đoạn từ sân bay về Khu kinh tế và quần thể FLC Quy Nhơn…, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn hơn 10 phút bằng ô tô.

Với triển vọng phục hồi kinh tế được các tổ chức toàn cầu đánh giá “tươi sáng nhất trong khu vực Đông Nam Á” cùng nguồn cầu du lịch dự kiến có thể tăng trưởng mạnh sau dịch Covid – 19, thị trường BĐS nhìn chung vẫn có đòn bẩy để giữ nhịp tăng trưởng trong dài hạn. Trong bối cảnh này, giới địa ốc nhận định đà tăng giá đất Quy Nhơn vẫn chưa dừng lại, đặc biệt tại các tuyến đường ven biển có khả năng phát triển du lịch và các khu đô thị có hạ tầng được quy hoạch bài bản, hiện đại.

Quy Nhơn - điểm đến hấp dẫn của giới địa ốc nhờ sự phát triển của hạ tầng

Các dự án hạ tầng trong lĩnh vực giao thông, đô thị, du lịch được xem như “đòn bẩy” giúp góp phần hoàn thiện diện ...

Bình Định: Mời gọi nhà đầu tư 3 dự án trị giá nghìn tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định vừa công bố danh mục 3 dự án khu đô thị gồm: Long Vân 2, Long Vân ...

Xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Thị Nại 2 hơn 1.888 tỷ đồng

UBND tỉnh Bình Định vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Thị Nại 2, ...

Diệp Vấn (T/H)