Chính sách - Đầu tư

Sáp nhập tạo bước ngoặt, Sầm Sơn sẵn sàng đón đầu chuỗi đầu tư 'khủng' và lượng khách cao cấp đến Thanh Hóa

Nguyễn Trang 16/05/2025 16:46

Với tốc độ tăng trưởng mạnh và kế hoạch phát triển kinh tế, thành phố này đang tận dụng sáp nhập hành chính để định hình giai đoạn phát triển mới.

Năm 2024: Bức tranh kinh tế – xã hội nhiều điểm sáng

Năm 2024 đánh dấu một năm thành công của thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa bất chấp nhiều thách thức từ bối cảnh kinh tế chung. Thành phố hoàn thành và vượt mức toàn bộ 29 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm dẫn đầu tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 12,3%, xếp thứ 2 toàn tỉnh; tổng giá trị sản xuất ước đạt 24.515 tỷ đồng, đứng thứ 5 trong 27 đơn vị hành chính cấp huyện, tăng 2 bậc so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người đạt 77,5 triệu đồng, xếp thứ 2 toàn tỉnh.

TP Sầm Sơn
TP Sầm Sơn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Thanh Hóa

Du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn. Sầm Sơn đón hơn 8,86 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đề ra và trở thành một trong những địa phương có lượng khách lớn nhất cả nước. Thu ngân sách đạt 2.179 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), đưa thành phố vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về nguồn thu.

Ngoài ra, Sầm Sơn còn ghi nhận kết quả tích cực trong giải phóng mặt bằng, giải ngân đầu tư công, tổ chức các sự kiện văn hóa – thể thao – lễ hội quy mô lớn và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, an sinh xã hội. Những thành quả này là tiền đề để thành phố bước sang năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng du lịch cao hơn, phát triển toàn diện cả không gian lẫn chất lượng.

Sáp nhập hành chính: Động lực tái cấu trúc không gian đô thị

Để phù hợp với tốc độ đô thị hóa và yêu cầu quản lý hiệu quả, thành phố Sầm Sơn đang tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính nhằm hình thành hai phường mới: Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn. Đây là một phần trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023–2025.

Phường Sầm Sơn sẽ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 7 phường hiện hành gồm Quảng Tiến, Quảng Cư, Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn, Quảng Châu và Quảng Thọ. Sau sáp nhập, phường này có diện tích tự nhiên 30,29 km² và dân số khoảng 99.866 người. Trụ sở hành chính đặt tại cơ quan Thành ủy và UBND TP Sầm Sơn hiện nay.

Trong khi đó, phường Nam Sầm Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã, phường gồm Quảng Vinh, Đại Hùng, Quảng Minh (thuộc TP Sầm Sơn) và xã Quảng Giao (huyện Quảng Xương). Sau khi thành lập, phường có diện tích 18,47 km², dân số khoảng 37.572 người. Trụ sở đặt tại trụ sở của xã Đại Hùng và xã Quảng Minh hiện nay.

Hướng đến tương lai: Tập trung vào kinh tế đêm và du lịch chất lượng cao

Trong năm 2025, thành phố Sầm Sơn đặt mục tiêu đón 9,68 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 21.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch phía Nam – nơi tập trung các loại hình nghỉ dưỡng, khu ẩm thực và dịch vụ cao cấp. Đặc biệt, việc hoàn thiện các dịch vụ kinh tế đêm như chợ đêm, phố đi bộ được coi là hướng đi chiến lược nhằm kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch.

Song song đó, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng du lịch, nhất là các tổ hợp vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng chất lượng cao. Đây là một phần trong quá trình dịch chuyển không gian du lịch từ ven biển ra các khu vực mới, mở rộng quy mô và nâng cao giá trị ngành du lịch.

Dù vậy, thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại cần khắc phục như chất lượng dịch vụ chưa đồng đều, tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè, phương tiện vận tải điện thiếu quy củ. Việc giải quyết các vấn đề này sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của thành phố sau sáp nhập.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Sáp nhập tạo bước ngoặt, Sầm Sơn sẵn sàng đón đầu chuỗi đầu tư 'khủng' và lượng khách cao cấp đến Thanh Hóa
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO