Sáp nhập mở rộng TP.HCM: Khi vành đai – metro – cầu vượt biển cùng “nối mạch” liên vùng
Việc sáp nhập TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu tạo động lực đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống giao thông liên vùng, từ metro liên tỉnh đến cầu vượt biển.
Đầu tư liên vùng: Từ manh mún đến đồng bộ
Chủ trương sáp nhập TP. HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ đặt ra yêu cầu tái cấu trúc bộ máy hành chính, mà còn tạo áp lực cấp bách trong phát triển hệ thống giao thông liên vùng hiện đại. Trước đây, dù mỗi địa phương đều có những bước tiến đáng kể về hạ tầng, nhưng tình trạng “mạnh ai nấy làm” khiến kết nối liên thông còn thiếu đồng bộ. Việc hợp nhất được kỳ vọng sẽ khơi thông nút thắt này, tạo động lực mới cho đầu tư hạ tầng vùng.

Hiện tại, tuyến vành đai 3 TP.HCM – dài 76km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đang được đẩy nhanh tiến độ. Đoạn trên cao từ nút giao cao tốc TP.HCM – Long Thành đến Tân Vạn dự kiến thông xe kỹ thuật cuối năm 2025, toàn tuyến hoàn thành năm 2026.
Đồng thời, dự án vành đai 4 dài hơn 207km đang chờ Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, trong đó đoạn qua Bình Dương (dài gần 48km) dự kiến khởi công trong năm 2025. Quốc lộ 13 – tuyến kết nối TP.HCM và Bình Dương cũng đang được nâng cấp toàn tuyến lên 8 đến 10 làn xe, với tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng.
Các dự án cao tốc cũng bước vào giai đoạn thi công đồng loạt. Tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (kết nối TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước) đã khởi công từ tháng 2/2025, dự kiến hoàn thành năm 2027. Tuyến metro liên tỉnh nối Suối Tiên (TP.HCM) – thành phố mới Bình Dương dài 32,4km, tốc độ thiết kế 120km/h, vốn đầu tư hơn 64.000 tỷ đồng, đang được chuẩn bị các bước nghiên cứu, với kế hoạch khởi công vào năm 2027 và vận hành từ 2031.
Mở đường về phía biển và kết nối vùng mở rộng
Trong liên kết với Bà Rịa – Vũng Tàu, các phương thức giao thông hiện nay như đường thủy, quốc lộ 51 hoặc cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vẫn còn hạn chế, khiến hành trình từ TP.HCM đến Vũng Tàu mất 2–3 giờ, chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển du lịch, logistics và giao thương liên vùng.

Để giải quyết tình trạng này, hàng loạt dự án đang được xúc tiến. Cầu Nhơn Trạch – thuộc tuyến vành đai 3 đã thông xe kỹ thuật, mở ra hướng kết nối mới từ TP. Thủ Đức sang Nhơn Trạch. Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu khi kết nối với vành đai 3 sẽ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.
Một trong những điểm nhấn được kỳ vọng là tuyến đường ven biển dài 45,5km, kết nối từ Gò Công Đông (Tiền Giang) đến cảng Phước An (Đồng Nai) và cao tốc TP.HCM – Long Thành. Bên cạnh đó, phương án cầu vượt biển Cần Giờ – Vũng Tàu dài khoảng 10km đang được đề xuất, có thể rút ngắn tới 40km so với hành trình hiện nay.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – chuyên gia đô thị học, sau khi sáp nhập, rào cản hành chính trong triển khai các dự án giao thông lớn sẽ được tháo gỡ, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ và giảm trùng lặp quy hoạch. Hệ thống hạ tầng “liên thông – hiện đại – bền vững” sẽ là nền tảng cho đô thị đa trung tâm phát triển mạnh mẽ.
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cũng nhấn mạnh, sáp nhập sẽ mở ra cơ hội huy động nguồn lực đầu tư quy mô lớn hơn.
“Thay vì chia cắt từng gói nhỏ, chúng ta sẽ ưu tiên quy hoạch mạng lưới liên hoàn, gắn kết giữa đô thị, công nghiệp, cảng biển và logistics,” ông Phúc nhận định.
Cơ chế đặc thù và nhu cầu chính sách chuyển tiếp
Ngày 19/5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương sau sáp nhập, theo chủ trương tổ chức lại chính quyền địa phương cấp tỉnh.
Hiện cả nước có 10 địa phương đang áp dụng cơ chế đặc thù theo các nghị quyết riêng, trong đó có TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ... Trong số này, 6 địa phương – gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng, Đắk Lắk sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc sáp nhập, thay đổi quy mô hành chính.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương tiếp tục áp dụng chính sách đặc thù đã được phê duyệt trước khi sáp nhập, nhằm đảm bảo tính liên tục trong quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Việc duy trì cơ chế ưu đãi tài chính, phân cấp đầu tư, thu hút vốn là yếu tố then chốt để hiện thực hóa các kế hoạch hạ tầng sau hợp nhất.