Sao Ta (FMC) sắp trả cổ tức năm 2022, PAN dự kiến nhận về 50 tỷ đồng
Với việc đang nắm giữ 37,75% vốn của FMC, tương đương 24,68 triệu cổ phiếu, Tập đoàn PAN sẽ thu về gần 50 tỷ đồng tiền cổ tức từ Sao Ta.
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), thành viên Tập đoàn PAN thông báo chốt lịch trả cổ cổ tức năm 2022 bằng tiền cho cổ đông. Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng là 9/5, ngày thanh toán là ngày 26/5. Tỷ lệ thực hiện là 20%/mệnh giá cổ phiếu, tương ứng với mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu được nhận 2.000 đồng.

Với 65.388.889 cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Sao Ta sẽ chi 130,7 tỷ đồng cho lần trả cổ tức này. Hiện, PAN đang nắm giữ 37,75% vốn của FMC, tương đương 24,68 triệu cổ phiếu. Theo đó, PAN sẽ thu về gần 50 tỷ đồng tiền cổ tức.
Về tình hình kinh doanh mới nhất, FMC đạt 14,6 triệu USD doanh thu trong tháng 2/2023, giảm 21% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ tôm và nông sản thành phẩm sụt giảm. Năm 2023, Sao Ta đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 5.900 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 400 tỷ đồng, tăng lần lượt 3% và 21% so với năm 2022. Đồng thời, Công ty dự kiến chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ tối thiểu 20%.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, những biến động của kinh tế vào nửa cuối năm đã ảnh hưởng mạnh tới kết quả kinh doanh quý IV/2022 của FMC. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp thuỷ sản này đều giảm tốc; cụ thể lần lượt giảm 17% và 23%; còn 1.201 tỷ đồng và 83 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 23%, đạt 154,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận giảm từ 13,9% về 12,7%.
Theo giải trình của FMC, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý IV giảm là do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế nên sức tiêu thụ của công ty cũng bị trầm lắng, dẫn đến doanh số bán giảm.
Đáng chú ý, trong quý, doanh thu tài chính nhảy vọt gấp đôi lên 35,5 tỷ đồng - chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng mạnh lên, tức tăng 5 lần, đạt 38 tỷ đồng. Về chi phí vận hành (chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp), FMC đã tiết giảm được 36 tỷ đồng, còn 68 tỷ đồng.
Dù quý IV kinh doanh “giật lùi” song nhờ 3 quý đầu năm tăng trưởng tốt nên các chỉ tiêu năm 2022 của FMC vẫn tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần tăng 9%, đạt 5.707 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 13%, đạt 328 tỷ đồng. Biên lợi nhuận cải thiện từ 10,1% lên 11%.
Năm 2022, FMC đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 5.290 tỷ đồng và 320 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã vượt gần 8% chỉ tiêu doanh thu và vượt 3% mục tiêu lợi nhuận năm.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của FMC tăng 11% so với đầu năm, đạt 2.988 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, nổi bật là sự tăng vọt của chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng 275,5 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 445,5 tỷ đồng. Phần tăng chủ yếu đến từ dự án nhà máy thuỷ sản Sao Ta chiếm 85% tổng chi phí, đạt hơn 377 tỷ đồng - gấp gần 5 lần so với đầu năm.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Agribank, nhà máy Sao Ta dự kiến sẽ vận hàng vào năm 2023. “Khi cả 2 nhà máy Tam An (vận hành 1 phần từ quý II/2022) và Sao Ta cùng đi vào vận hành, công suất của FMC sẽ tăng thêm 20.000 gtaasn/năm, tăng khoảng 70% so với trước đó. Năm 2023, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại có thể giúp nhu cầu xuất khẩu tôm của FMC tăng trưởng, bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ và EU”, công ty chứng khoán nêu quan điểm.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 là 874 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng 24%, đạt 515,5 tỷ đồng,; là các khoản vay USD tại Ngân hàng TMCP Ngọai thương Việt Nam (453,6 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (61,7 tỷ đồng).
Anh Khôi (t/h)