Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu thép, nhà đầu tư lo ngại về kết quả kinh doanh quý 2?

Cập nhật: 15:16 | 15/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Phiên giao dịch đầu tuần mới, sắc đỏ bao trùm nhóm cổ phiếu thép, dù triển vọng trong cả ngắn và dài hạn của ngành này được đánh giá là tương đối sáng.

Phiên giao dịch đầu tuần mới (15/7), cổ phiếu ngành thép chìm trong sắc đỏ. Bộ 3 cổ phiếu thép lớn trên HOSE là HPG, HSG và NKG cũng chịu chung cảnh giảm điểm, trong đó HPG lọt top thanh khoản lớn nhất sàn HOSE, với hơn 15 triệu cổ phiếu sang tay.

Cổ phiếu nhóm thép đồng loạt giảm điểm trong khi các nhóm ngành khác như công nghệ, viễn thông, phân bón, dầu khí, xuất khẩu... đã và đang "tạo sóng", khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn, rằng kết quả kinh doanh quý 2 sắp tới của các doanh nghiệp nhóm thép liệu có thực sự tích cực như giới phân tích dự báo.

Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu thép, nhà đầu tư lo ngại về kết quả kinh doanh quý 2?
Cổ phiếu ngành thép chào tuần mới với màu đỏ chủ đạo trong phiên 15/7

Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2024, Chứng khoán MB (MBS) dự báo, lợi nhuận ngành thép sẽ tăng trưởng 40% vào năm 2024 nhờ các yếu tố:

Doanh thu dự kiến phục hồi 25% nhờ sản lượng và giá bán tăng trưởng lần lượt 9% và 8%, trong bối cảnh nguồn cung nhà ở và cơ sở hạ tầng tăng.

Biên lợi nhuận gộp phục hồi lên 13% (so với khoảng 8% năm 2023) nhờ giá đầu ra tăng 8% so với cùng kỳ và nguyên liệu (quặng, than) giảm khoảng 4% do nguồn cung ổn định.

Tỷ lệ dự phòng hạ nhiệt do giá đầu ra tăng và chi phí tài chính giảm 30% trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.

Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu thép, nhà đầu tư lo ngại về kết quả kinh doanh quý 2?
Ước tính kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành tôn, thép.

Theo MBS, việc các doanh nghiệp thép hồi phục về kết quả kinh doanh sau giai đoạn chạm đáy 2022 - 2023 đã được dự báo trước. Đây cũng chính là động lực để nhóm cổ phiếu này bứt phá trong năm 2023, bởi dòng tiền trên thị trường chứng khoán luôn chạy trước đón đầu. Vì vậy, để cổ phiếu thép có đợt chạy đua mới thì cần thêm những triển vọng khác biệt hơn ngoài kết quả kinh doanh.

Hiện tại nhóm thép có hai câu chuyện đáng chú ý cần theo dõi. Một là áp thuế chống bán phá giá và hai là kế hoạch mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp.

Ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo trình tự, Bộ sẽ gửi bản câu hỏi rà soát tới các đơn vị liên quan sau 15 ngày kể từ ngày khởi xướng. Đây sẽ là cơ sở để đưa ra kết luận sơ bộ điều tra. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá từ 1/4/2023-31/3/2024.

Trong báo cáo phát hành đầu tháng 7 vừa qua, BSC đã có những phân tích, thống kê về hiện tượng bán phá giá và đưa ra dự báo thuế chống bán phá giá đối với ngành thép có thể áp dụng tạm thời vào đầu năm 2025 và chính thức vào quý 3/2025.

Theo BSC, định giá các cổ phiếu thép nhìn chung đang ở vùng đáy của chu kỳ. Với các thông tin liên quan tới tiến độ vụ việc áp thuế chống bán phá giá, sản lượng thép nội địa dần hồi phục, BSC cho rằng đây sẽ là động lực tăng giá cổ phiếu ngành thép trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025.

Với câu chuyện thứ hai, các doanh nghiệp lớn trong ngành thép đều có kế hoạch mở rộng sản xuất để duy trì động lực tăng trưởng. Hoà Phát đang dồn lực cho “cú đấm thép” Dung Quất 2. Dự án có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm. Theo kế hoạch, phân kỳ 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động vào đầu quý 1/2025, nâng năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC.

Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu thép, nhà đầu tư lo ngại về kết quả kinh doanh quý 2?
Theo BSC, định giá các cổ phiếu thép nhìn chung đang ở vùng đáy của chu kỳ

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ doanh nghiệp, dây chuyền thép cuộn cán nóng HRC đầu tiên của Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.

Thép Nam Kim đang triển khai kế hoạch chào bán hơn 130 triệu cổ phiếu, huy động gần 1.600 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu để đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án trên được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 6/2/2024. Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại, sản xuất các loại tôn thép như tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh), tôn mạ hợp kim nhôm kẽm phủ sơn, tôn mạ kẽm phủ sơn; sản xuất sắt, thép, gang.

Quy mô dự án gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 (chưa VAT) là 4.500 tỷ đồng.

Hoa Sen Group thì có hướng đi khác biệt hơn khi không xây thêm nhà máy sản xuất mà muốn "lấn sân" sang các lĩnh vực tiềm năng khác như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ bán dẫn, du lịch sinh thái... Công ty dự chi 5.000 tỷ đồng cho việc mở rộng ngành nghề này...

ABS Research điểm mặt 2 cổ phiếu thép giàu tiềm năng tăng trong tháng 7

Trong báo cáo chiến lược mới đây, bộ phận phân tích Chứng khoán An Bình (ABS Research) lựa chọn 2 cổ phiếu thép vào danh ...

MBS gọi tên những cổ phiếu có định giá rẻ, hứa hẹn dẫn sóng thị trường nửa cuối năm

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán MB (MBS Research) nhận định VN-Index có thể sẽ đạt 1.350 – 1.380 điểm vào cuối ...

Vợ chồng Tổng Giám đốc Dược Vật tư Y Tế Thanh Hóa (DTH) muốn thoái sạch vốn

Ông Trần Thanh Minh - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Công ty CP Dược Vật tư Y Tế Thanh Hóa (UPCoM: ...

Lưu Lâm